*** "Việt Nam tất nhiên là luôn khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như tính chính nghĩa của cuộc chiến giải phóng người dân Campuchia khỏi thảm họa diệt chủng Khmer Đỏ." - www.facebook.com/WarComissar***

29 tháng 4 2012

Phân luồng sau tốt nghiệp THCS


TT - Nhiều năm qua, Tân Phú (TP.HCM) là một trong những quận có tỉ lệ HS không trúng tuyển lớp 10 công lập cao nhất ở TP.HCM. Tuy nhiên, không vì thế mà con đường học hành của HS quận này phải dừng lại.
Nhiều phụ huynh quan tâm đến việc học nghề sau THCS của con em tại hội thảo chiều 28-4 - Ảnh: NHƯ HÙNG
Chiều 28-4, Phòng GD-ĐT quận Tân Phú tổ chức hội thảo chuyên đề “Các hướng đi sau tốt nghiệp THCS” với sự tham gia của hơn 100 đại diện phụ huynh, giáo viên chủ nhiệm lớp 9 và các trường có đào tạo trung cấp chuyên nghiệp.
Trong khi tổng chỉ tiêu tuyển sinh TP.HCM năm học 2012-2013 tăng gần 1.000, chỉ tiêu vào lớp 10 tại quận Tân Phú lại giảm. Tổng chỉ tiêu tuyển lớp 10 ba trường THPT trên địa bàn quận này là 2.160, trong khi tổng số HS lớp 9 công lập hiện tại khoảng 4.600 em.
Vượt khó
Muốn tìm cơ hội vào lớp 10 ở quận khác cũng rất khó với HS quận Tân Phú vì quận Bình Tân kề bên thực hiện xét tuyển, quận Tân Bình và quận 11 cửa vào lớp 10 hẹp không kém quận Tân Phú. Đây cũng không phải là chuyện mới ở quận này. Năm trước, toàn quận có 4.200 HS lớp 9. 3.700 HS trong số này dự thi tuyển sinh vào lớp 10 và có 1.409 HS trúng tuyển vào ba trường trên địa bàn quận nhà. Áp lực thiếu chỗ học lớp 10 công lập đè nặng cho cả thầy và trò quận này từ 7-8 năm qua.
Không thiếu chỗ học sau THCS
Không chỉ có một con đường vào trường nghề. HS tại quận Tân Phú có thể chọn việc vừa học nghề song song với học chương trình giáo dục thường xuyên (GDTX). Chỉ tiêu hai trung tâm GDTX trên địa bàn quận này năm nay đến 1.600. Năm nay, 30 trung tâm GDTX ở các quận huyện tuyển hơn 6.000 chỉ tiêu lớp 10. Hơn 10 trường trung cấp, CĐ, ĐH tuyển HS lớp 9, tổng chỉ tiêu ước trên 5.000. Ngoài ra, hệ thống trường THPT ngoài công lập tuyển trên 5.000 chỉ tiêu lớp 10.
Từ trong khó khăn của mình, quận Tân Phú quyết tâm thực hiện phân luồng HS vào trường trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) ngay sau khi tốt nghiệp THCS. Phòng GD-ĐT và các trường THCS làm cầu nối cho HS, phụ huynh và các trường nghề. Thầy Thái Xuân Vinh, chuyên viên phụ trách hướng nghiệp Sở GD-ĐT TP.HCM, nói: “Từ một quận khó khăn vì thiếu chỗ học lớp 10, Tân Phú đã được xem như điển hình phân luồng HS vào trường nghề sau THCS”. Và HS đi học nghề không hẳn vì bít cửa phổ thông. Mùa tuyển sinh năm trước, có 86 HS quận này không dự thi tuyển sinh lớp 10 mà đăng ký xét tuyển vào học các trường có đào tạo TCCN. Theo thầy Phạm Hoàn Vũ - tổ trưởng tổ phổ thông Phòng GD-ĐT Tân Phú: “Trong số này có nhiều HS khá, đủ khả năng trúng tuyển lớp 10 nhưng các em đã chọn con đường học nghề”.
Năm nay, ngoài việc đăng ký các nguyện vọng tuyển sinh vào lớp 10, HS lớp 9 quận này sẽ có năm nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào các trường TCCN gần nhà. Ý kiến phụ huynh tại buổi hội thảo chiều 28-4 quan tâm nhiều đến cơ hội chọn ngành nghề ở trường trung cấp, cơ hội việc làm sau tốt nghiệp. Đại diện phụ huynh có con học lớp 9 bày tỏ: “Việc ngành giáo dục cung cấp thông tin tuyển sinh lớp 10 và cơ hội học nghề ngay sau THCS giúp chúng tôi nhìn lại mình để chọn lựa phù hợp”. Có ý kiến đề nghị được biết thêm thông tin về phương pháp quản lý học sinh, kỷ luật trong trường nghề.
Tất cả HS sẽ được tiếp tục đi học
Tất cả HS tốt nghiệp THCS đều được tiếp tục đi học là mong muốn của quận Tân Phú trong việc phân luồng HS. Thầy Tạ Tân, trưởng Phòng GD-ĐT quận Tân Phú, nói: “Rời trường THCS, 15 tuổi, nếu các em không có chỗ học, phải dừng việc học hành là điều đáng tiếc. Chúng tôi muốn phụ huynh thấy và yên tâm rằng sau tốt nghiệp lớp 9, HS có nhiều con đường để đi và tất cả các em đều có thể tiếp tục đi học. Các em sẽ học tiếp văn hóa hay học nghề tùy vào điều kiện, hoàn cảnh và sự chọn lựa của từng gia đình, từng HS”.
Không phải ai vào lớp 10 THPT cũng sẽ vào ĐH, CĐ. Nếu học nghề, có bằng nghề các em đã có thể vào đời kiếm sống. Chưa kể cơ hội học liên thông lên CĐ, ĐH đúng ngành nghề. Thầy Phạm Hoàn Vũ phân tích: “Bảy năm, khoảng thời gian một HS có thể học xong chương trình THPT và hoàn thành chương trình bốn năm ĐH. Cũng bảy năm ấy, một HS đi học trung cấp ngay sau THCS cũng có thể có bằng ĐH bằng con đường liên thông sau khi tốt nghiệp TCCN. Và nếu không được học tiếp chương trình liên thông, HS TCCN đã có nghề, đi làm sau ba hoặc ba năm rưỡi”.
Một ý kiến tại hội thảo dẫn ra thực tế việc dạy và học THPT cho thấy cứ sau học kỳ 1, số HS lớp 10 rơi rụng ở nhiều trường lên đến vài chục, có nơi mất 1-2 lớp. Những HS dở dang chương trình THPT hoang mang, không biết đi đâu về đâu... Góp ý kiến tại hội thảo, thầy Thái Xuân Vinh cho rằng: “Nếu được hướng nghiệp phân luồng đúng, các em sẽ tự tin chọn con đường học nghề ngay sau lớp 9, giúp các em vào đời sớm hơn. Đi hướng nào sau cùng cũng có việc làm, phục vụ xã hội và gia đình”.
Bên lề hội thảo, một giáo viên nhiều năm chủ nhiệm lớp 9 chia sẻ: “Thực tế cũng có HS không theo hết chương trình trung cấp. Có khi do các em không theo nổi chương trình, nhưng phần nhiều HS rơi rụng giữa chừng do không có động cơ học tốt. Những em xác định học nghề ngay từ đầu nhiều em học khá. Vấn đề là làm sao để phụ huynh yên tâm hơn, HS không mặc cảm nếu không được vào lớp 10 công lập”.
PHÚC ĐIỀN
Hà Nội: trên 51.000 chỉ tiêu vào lớp 10 công lập
Ngày 27-4, Sở GD-ĐT Hà Nội đã công bố chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2012-2013 cho 107 trường THPT công lập, 88 trường THPT ngoài công lập và 31 trung tâm giáo dục thường xuyên trên địa bàn. Trong đó, chỉ tiêu cho khối trường THPT công lập là 51.189.
Nhiều trường thuộc tốp trên có mức chỉ tiêu nhỉnh hơn năm trước, như Kim Liên, Việt Đức, Trần Phú, Phan Đình Phùng đều có mức chỉ tiêu 645/trường. Trường THPT Yên Hòa chỉ tiêu giảm nhẹ so với các năm trước. Một số trường có điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên không đảm bảo chất lượng năm nay đã bị giảm chỉ tiêu tuyển sinh.
Riêng khối THPT chuyên, Trường Hà Nội - Amsterdam có 635 chỉ tiêu, trong đó khối chuyên là 420 chỉ tiêu; Trường THPT Chu Văn An có 608 chỉ tiêu, trong đó lớp chuyên 350 chỉ tiêu; Trường chuyên Nguyễn Huệ, Hà Đông có 557 chỉ tiêu, trong đó lớp chuyên 385 chỉ tiêu; Trường THPT Sơn Tây có 573 chỉ tiêu, trong đó lớp chuyên 315 chỉ tiêu.
Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT tại Hà Nội sẽ diễn ra ngày 21-6 (đối với không chuyên), sớm hơn một ngày so với năm trước và 21 và 22-6 (với khối chuyên).
VĨNH HÀ

Hầm vũ khí bí mật giữa Sài Gòn


Trong con hẻm trên đường Nguyễn Đình Chiểu (quận 3, TP HCM), căn nhà số 287/70 nằm lọt thỏm. Cánh cửa sắt màu xanh lỗ chỗ vết đạn đóng im ỉm. Ít người biết đó là nơi biệt động thành đào hầm cất giấu hơn 2 tấn vũ khí, chuẩn bị cho trận đánh vào dinh Độc Lập trong chiến dịch Tết Mậu Thân.

Ông Nguyễn Quang Vinh (61 tuổi), người được tin cẩn giao trông coi ngôi nhà đã gần 10 năm nay kể, đầu năm 1967, ông Trần Văn Lai (Năm Lai) mua căn nhà gác lửng này theo sự thống nhất với người chỉ huy đơn vị là ông Nguyễn Văn Trí, chính trị viên đơn vị Biệt động 159 (sau đổi tên là J9/T700), thuộc Quân khu Sài Gòn - Gia Định.
Căn nhà có 2 mặt tiền trên 2 con hẻm nằm kẹp giữa đường Phan Đình Phùng (nay là Nguyễn Đình Chiểu) và Trần Quý Cáp (nay là Võ Văn Tần), có diện tích khoảng 37 m2, dài 14,9 m, rộng 2,5 m. Lấy cớ sửa nhà cần đào hầm vệ sinh và hệ thống thoát nước, ông Năm đã sử dụng những người thợ tin cẩn nhất để đào hầm bí mật giấu vũ khí. Căn nhà vừa là nơi chứa vật liệu xây dựng, vừa để ôtô.
Theo ông Vinh, trong thời gian này ông Năm Lai vừa làm việc cho dinh Độc Lập với danh nghĩa thầu khoán Năm U-SOM (do ông thường vào cơ quan U-SOM của Mỹ đấu thầu), vừa hoạt động bí mật trong đơn vị Bảo Đảm. Nhiệm vụ tối mật buộc ông phải giấu vợ con.
Đưa vợ con về Gò Vấp, một mình ông ở lại căn nhà, ngày thầu khoán, đêm đào hầm. Đất đem bỏ vào thùng carton, rồi đưa lên ôtô mang đi đổ ở tận Bình Chánh để tránh địch phát hiện. Thời gian đào hầm ông Năm Lai sống trong cảnh chồng không gặp mặt vợ, cha không biết mặt con.
Bảy tháng sau, căn hầm hoàn thành. Hầm có kích thước dài hơn 8 m, ngang 2 m, cao 2,5 m, trát xi măng dày để chống thấm. Trong hầm có 4 khung tròn nối với ống thoát nước, kích thước vừa một người chui để thoát hiểm. Miệng và nắp hầm do chính ông Năm Lai tự tay lắp đặt bí mật. Miệng hầm được chọn ở gần cầu thang. Nắp hầm được ghép bằng 6 miếng gạch, có chốt vặn ở giữa để dùng khoen nhấc bổng, diện tích 0,4x0,6 m, vừa một người chui.
Ông Nguyễn Quang Vinh giới thiệu bộ ván rỗng ruột giấu vũ khí. Ảnh: CAND.
Cuối góc nhà là bộ ván rỗng ruột do ông Trần Phú Cương (bí danh Năm Mộc), chiến sĩ biệt động nội thành đóng. Vũ khí được che giấu khéo léo trong bộ ván, cuộn cà tăng, dưới sọt trái cây để qua mắt địch.
Nhằm tránh sự chú ý của xóm giềng, xe chở vũ khí từ Củ Chi do ông Nguyễn Văn Ba (tự Ba Bảo) lái chỉ đến nhà vào lúc nhá nhem tối, lúc đi cửa trước, lúc đi cửa sau và lùi xe vào trong nhà để bốc dỡ. Vũ khí được chuyển xuống hầm lúc đó gần 2 tấn, gồm: súng AK, súng ngắn, bộc phá, lựu đạn, đạn các loại…
Ngày 29 Tết Mậu Thân, tại xã Lộc Thuận, huyện Trảng Bàng (Tây Ninh), Đội 5 biệt động thực tập chuẩn bị cho cuộc tiến công. Đêm mùng 1, rạng sáng mùng 2 Tết, 15 chiến sĩ Đội 5 biệt động tập trung tại căn nhà số 287/70 Phan Đình Phùng nhận vũ khí.
Dưới sự chỉ huy của ông Trương Hoàng Thanh (Ba Thanh), đội xuất phát trên 3 ôtô và một Honda tiến về dinh Độc Lập, thực hiện trận đánh táo bạo, vang dội trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968. Sau khi 7 chiến sĩ sống sót bị bắt, địch cho người đến bắn phá căn nhà vì nghi ngờ đây là nơi trú ngụ của đội biệt động.
Sau trận đánh, ông Năm Lai bị đày ra Côn Đảo, căn nhà rơi vào tay địch, nhưng hầm vũ khí mãi là bí mật với chúng. Miền Nam hoàn toàn giải phóng, căn nhà được trả về cho chủ cũ. Lưu giữ căn nhà cùng hầm vũ khí, ông Năm Lai mong muốn nơi đây trở thành địa chỉ đỏ để thế hệ trẻ tham quan, học tập.
Đáp lại tâm nguyện của ông, căn nhà được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi đến thăm căn hầm này đã khen ngợi tinh thần dũng cảm tuyệt vời của các chiến sĩ biệt động.
Ông Nguyễn Quang Vinh kể: “Năm 2000, khi đang công tác ở Hội Cựu chiến binh quận 3, tôi đến thăm di tích lần đầu tiên, thực sự xúc động khi chứng kiến căn hầm và nghe câu chuyện về sự hy sinh anh dũng của các anh em. Như duyên số, anh Năm Lai nhắn nhủ sau này nếu anh mất thì nhờ tôi trông coi giùm nơi đây. Năm 2002, anh mất, tôi về trông coi di tích từ đó đến nay”.
Ban ngày, tầm 7h, ông Vinh từ nhà (số 284/29 Võ Văn Tần) sang di tích trông coi. Tối, ông ngủ lại đây. Hỏi về lương, ông Vinh lắc đầu bảo: “Tôi làm tự nguyện, cũng bởi tấm lòng với các anh em liệt sĩ và tâm nguyện của anh Năm Lai. Tôi ở đây trông coi, bảo vệ căn hầm, nhang đèn cho hương hồn anh em không quạnh quẽ”. Trên gác lửng căn nhà là bàn thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, các chiến sĩ biệt động hy sinh trong trận đánh và ông Năm Lai.
Ông Vinh cho biết mỗi năm di tích đón khoảng 2.000 lượt khách đến tham quan, chủ yếu là các đoàn học sinh, sinh viên, khách quốc tế… Do đường vào nhỏ hẹp nên các đoàn tham quan phải để xe ngoài đường Võ Văn Tần. Nhiều khách ở TP HCM rất bất ngờ khi đến thăm địa chỉ đỏ này.
Chị Tường Vy (ngụ ở quận Bình Thạnh) cho biết, mặc dù sống ở thành phố đã lâu, đi qua con đường này nhiều lần, nhưng chị không ngờ nơi đây lại có một di tích quốc gia rất đỗi tự hào thế này. Căn nhà nằm lọt thỏm giữa khu chợ trên con hẻm nhỏ. Hàng quán che khuất tấm bảng ghi tên di tích nên ít người chú ý. Cũng chính vì không gian bên ngoài ồn ào, chật hẹp nên mỗi dịp có khách đến, ông Vinh mới mở cửa. Còn hằng ngày, di tích vẫn đóng cửa im ỉm.
Công an nhân dân

28 tháng 4 2012

Chùa Dơi (Sóc Trăng) và loài dơi lạ


(VTC News) - Ở Đồng Bằng Sông Cửu Long, có một ngôi chùa nổi tiếng nhất, ấy là chùa Dơi. Thực tế, ngôi chùa này có tên là Mahatup, sau đọc chệch thành Mã Tộc. Vườn chùa có loài dơi khổng lồ sinh sống, nên gọi là chùa Dơi.


Ngôi chùa cổ

Đồng bằng sông Cửu Long có chừng 600 ngôi chùa của đồng bào dân tộc Khmer, thì chùa Dơi nổi lên như một quần thể kiến trúc đẹp vào bậc nhất. Ngôi chùa gồm hai cổng, một cổng phụ, một cổng chính. 

Tuy nhiên, lạ ở chỗ cổng chính được trang trí khá đơn giản, còn cổng phụ, nhìn từ xa, thấy rực màu vàng óng, còn lại gần, du khách phải thót tim bởi hình hai con rắn khổng lồ gác hai bên cổng, mỗi con có 5 đầu, đang phồng mang trợn mắt như chực đớp người. 

Kỳ bí loài dơi lạ và nơi quần tụ của bầy dơi khổng lồ
Cổng chùa Dơi. 

Ngôi chùa chính cũng là một kiệt tác. Mái chùa gồm hai tầng lớp ngói mầu. Phía đầu hồi, bốn đầu mái được chạm trổ tinh xảo hình rắn Naga cong vút. Trên đỉnh chùa có một ngọn tháp nhọn. Hàng cột đỡ bao quanh chùa, mỗi cột có một tượng tiên nữ Kemnar, đôi tay chắp trước ngực như đang cất lời đón chào khách thăm viếng. 

Khắp trên tường chùa là những bức tranh khổ lớn miêu tả cuộc đời Đức Phật, từ lúc ra đời tới khi được khai minh rồi nhập Niết bàn. Bên cạnh còn có một pho tượng sinh động miêu tả Đức Phật cưỡi trên rắn thần Muchalinda. 

Trong khu vườn rộng khoảng 7ha còn có nhiều bảo tháp (stupa) chứa di hài các nhà sư quá cố, có lò hỏa táng, nhà ở của các sư và nhà hội Sa La như kiểu nhà rông hay hội trường...

Kỳ bí loài dơi lạ và nơi quần tụ của bầy dơi khổng lồ
Dơi bay rợp trời (Ảnh chụp lại ở chùa Dơi). 

Sư phó Lâm Tú Linh dù rất bận mải với việc khôi phục ngôi chánh điện bị cháy, nhưng khi trò chuyện về đàn dơi, sư rất nhiệt tình. Sư phó Linh dẫn tôi dạo mát dưới khu vườn rộng mênh mông với vô vàn các loại cây cổ thụ xen lẫn những loại cây ăn quả như xoài, vú sữa, sầu riêng, măng cụt.

Chùa Dơi được xây dựng từ năm 1569, trên một bãi cát hoang hóa do biển bồi. Vị sư trụ trì đầu tiên, sau khi dựng ngôi chùa nhỏ bằng gỗ, liền trồng một vườn cây để chắn gió biển. Khi vườn cây xanh tốt, các loại chim muông liền kéo về, nhiều nhất là cò, cồng cộc, điên điển, quạ, dơi... sống chung với các nhà sư. 

Sư phó Lâm Tú Linh bảo: “Không hiểu sao, Sóc Trăng có tới hàng trăm ngôi chùa và rất nhiều chùa có cảnh đẹp thanh tịnh, vườn cây bóng mát, nhưng chỉ chùa Mã Tộc là có nhiều loài chim tụ họp, đặc biệt là dơi. Tôi nghĩ rằng chùa Mã Tộc là nơi đất lành nên có nhiều chim về đậu, đúng như điều tiền nhân thường nói”. 

Kỳ bí loài dơi lạ và nơi quần tụ của bầy dơi khổng lồ
Ảnh chụp lại ở chùa Dơi. 

Để chứng minh chùa Mã Tộc là mảnh đất lành, Sư phó Linh dẫn tôi đi xem rất nhiều giếng nước trong chùa rồi bảo rằng, đào xuống lòng đất, chỗ nào cũng thấy có nước ngọt, trong vắt, múc lên là dùng ngay được. 

Thế nhưng, dân cư sống quanh chùa lại không thể dùng được nước ngầm, vì nước nhiễm phèn cực nặng. Tôi thấy hàng chục cái giếng trong chùa, cái nào cũng có rất nhiều ống nhựa chọc xuống. Nhân dân quanh vùng đều nối ống vào chùa để bơm nước về dùng. Nhà chùa lúc nào cũng rộng lòng với chúng sinh, nên không tiếc gì nước, nhân dân cứ bơm thoải mái.

Kỳ bí loài dơi lạ và nơi quần tụ của bầy dơi khổng lồ
 

Phận hẩm của dơi

Đứng dưới gốc cây cổ thụ, ngửa mặt lên trời nhìn bọn dơi treo mình lủng lẳng trên cành, Sư phó Linh lại thở dài thườn thượt. Ngày nào Sư phó cũng ra vườn dơi ngắm nhìn chúng, rồi lại thở dài luyến tiếc, vì mỗi ngày sư cảm nhận rõ sự hao hụt số lượng. 

Cách đây độ chục năm, dơi đậu trong chùa nhiều vô kể. Chúng đậu khắp các cành cây trong vườn, tràn cả ra ngoài cổng, thậm chí trên nóc chánh điện còn thấy khối đen lủng lẳng. 

Kỳ bí loài dơi lạ và nơi quần tụ của bầy dơi khổng lồ
Dơi bám đen ngọn cây. 

Một cụ bà vãng chùa cho biết: "Không biết dơi có từ bao giờ nhưng từ nhỏ tôi đã thấy dơi... Mỗi khi đàn dơi bay về, chúng tạo ra những đám mây kéo dài hồi lâu mới hết... Cây xanh trải dài, cành lá sum suê là thế nhưng mỗi khi đàn dơi tề tựu về thì nhìn lên chẳng thấy lá đâu, chỉ thấy một màu đen kịt của dơi". 

Nhưng có một điều lạ, nhiều cây cổ thụ tán rộng lòa xòa của nhà dân, ngả hết cả sang đất chùa, chúng lại không bao giờ đậu. Những buổi trưa nóng nực, chúng vỗ cánh phành phạch, náo động cả chùa. 

Điều lạ nữa, chúng chỉ “bậy” ra khu vườn, cách rất xa chùa, chứ không bao giờ “bậy” luôn ra chùa cả. Tình trạng ô nhiễm do phân dơi cũng không xảy ra, vì sáng nào nhân dân quanh vùng cũng kéo đến dọn phân dơi về làm phân bón. Phân dơi cực tốt với các loài cây ăn quả, nên lúc nào cũng đắt hàng. 

Kỳ bí loài dơi lạ và nơi quần tụ của bầy dơi khổng lồ
Số lượng dơi khổng lồ mỗi ngày một ít. 

Tuy nhiên, giờ đây, muốn được hàng ngày dọn phân dơi cũng không được, vì đàn dơi cứ teo dần, rồi giờ chỉ còn chon hỏn một nhúm độ vài ngàn con, treo ở vài cây cổ thụ giữa chùa. 

Khách tham quan về thăm chùa Dơi, đều ra ngắm đàn dơi với con mắt hau háu. Nhiều ông sành nhậu, trót ngắm đàn dơi rồi, chỉ muốn thưởng thức xem thịt nó ra sao. Vậy là những quán thịt dơi mọc lên khắp Thành phố Sóc Trăng. 

Nhà chùa kêu cứu nhiều quá, các cơ quan chức năng vào cuộc, cấm các nhà hàng kinh doanh món thịt dơi. Nhưng nếu họ cứ hoạt động lén lút thì cũng chịu. Mà cấm ở Sóc Trăng, thì các quán nhậu thịt dơi ở Cần Thơ, Bạc Liêu, Trà Vinh lại mọc lên nhan nhản. 

Dân nhậu có thể tha hồ chỉ mặt những con dơi đang nằm trong lồng, rồi ngồi chờ nhà hàng làm thịt. Họ nhồm nhoàm nhai và khen vừa ngon, vừa bổ, nhưng ở ngôi chùa kia, các nhà sư trông đàn dơi mỗi ngày teo đi, họ đau cứ cơ thể mình đang bị ngặm nhấm vậy.

Cứ đà này, chẳng mấy chốc đàn dơi sẽ biến mất và cả ngôi chùa nổi tiếng, độc đáo nhất cả nước này cũng sẽ bị quên lãng. 

Kỳ bí loài dơi lạ và nơi quần tụ của bầy dơi khổng lồ
 

Loài dơi bí ẩn

Theo Sư phó Tú Linh, hầu như các nhà khoa học chưa có nghiên cứu gì về loài dơi độc đáo, chỉ có duy nhất ở chùa Mã Tộc này. 


Chỉ có một nhà khoa học, cách đây vài năm, qua chùa, sau khi ngắm nghía, chỉ để lại một thông tin duy nhất cho các nhà sư: Đây là loài dơi quạ, là loài cực kỳ hiếm. Hiếm và quý thì nhà chùa biết cả rồi, nhưng làm sao để bảo vệ được chúng mới là điều cần thiết nhất. 

Kỳ bí loài dơi lạ và nơi quần tụ của bầy dơi khổng lồ
Có phải là dơi quạ? 

Có lẽ loài dơi ở chùa Mã Tộc là loài lớn nhất nước ta. Con dơi mới đẻ đã có sải cánh dài tới 50cm. Dơi trưởng thành sải cánh dài khoảng 1,5m, nặng 1kg. 

Một số con dơi chúa rất lớn, nặng tới 1,5kg và sải cánh của nó đến 2m. Những con dơi chúa bay dập dìu trên trời lúc nhập nhoạng tối trông như những bóng ma. 

Loài dơi này mỗi năm chỉ đẻ một lứa và đẻ duy nhất một con vào mùa mưa tháng 6. Chúng không làm tổ, nên đẻ xong thì cứ ôm con suốt ngày đêm. Khoảng 3-4 tháng ôm con như vậy, lúc con biết bay, thì tự đi kiếm ăn. 

Cứ đến mùa sinh sản và nuôi con, các nhà sư lại phải thay nhau trông nom và chăm sóc đàn dơi như chăm bà đẻ. Đàn dơi trong chùa tin người đến tồ tệch. Chúng cứ để con mình tập bay rất vô tư, rớt xuống đất cũng không sợ, vì đã có các nhà sư chăm sóc giúp. 

Kỳ bí loài dơi lạ và nơi quần tụ của bầy dơi khổng lồ
 

Giống dơi này không có chân, chỉ có những cái móng ở cánh, dùng để móc vào thân cây, do đó, khi rớt xuống đất, cánh lại dài, không đó đà, nên không thể bay lên được. Đến mùa tập bay, tí lại thấy một chú rơi “độp” xuống đất. Các nhà sư lại phải nhẹ nhàng bế chúng lên vuốt ve, rồi đặt lên cành cây để mẹ nó xuống nhận con. 

Giống dơi không bao giờ nhận lầm con. Nhiều lần giông gió nổi lên, đàn con rơi xõng xoài khắp mặt đất. Các sư phải mang chúng vào chùa. Sấm chớp qua rồi, các nhà sư lại mang ra treo từng con một lên cành cây. Đám dơi mẹ sà xuống ngó nghiêng lần lượt để nhận con. 

Điều lạ là cả trăm cặp mẫu tử nhận lại nhau mà không hề có chuyện nhận nhầm hoặc tranh chấp nào cả. Tuy nhiên, nhiều lần, sau những đêm dơi con ở nhà tập bay, bị rơi xuống đất, mẹ chúng không về được bởi đã sa vào lưới của đám thợ săn, thì các nhà sư phải làm mẹ chúng, cho chúng uống sữa bò, rồi bón cho chúng ăn hoa quả, dạy chúng tập bay. 

Kỳ bí loài dơi lạ và nơi quần tụ của bầy dơi khổng lồ
 

Và cũng có một chuyện rất lạ, đó là giống dơi ở đây chỉ chấp nhận sự chăm sóc của các nhà sư. Khách du lịch viếng thăm chùa, trông cảnh nhà sư cho dơi ăn, tung dơi lên trời ở ngoài sân chùa cho chúng tập bay, cũng muốn giúp các nhà sư và làm quen với bọn dơi, nhưng không được. 

Giống dơi này có thể nép mình vào vai và dụi đầu vào má các nhà sư, nhưng hễ người lạ đến gần là chúng trở nên rất hung dữ, cào cắn rách cả thịt. Sư phó Tú Linh sau mấy chục năm sống chung với đàn dơi bảo rằng, dường như bản năng của loài dơi, từ lúc sinh ra đã thân thiết với các nhà sư trong chùa rồi.

Giống dơi trong chùa Mã Tộc này là giống dơi ăn quả. Chúng chỉ ăn hoa quả và uống nước từ các trái dừa. Răng chúng sắc đến nỗi, chỉ cắn một lát đã thủng quả dừa. 

Kỳ bí loài dơi lạ và nơi quần tụ của bầy dơi khổng lồ
 

Tuy nhiên, điều rất lạ là chúng không bao giờ ăn, dù chỉ một trái cây trong vườn chùa, mặc dù trong vườn chùa trồng hàng chục loại cây ăn quả và quanh năm hoa trái sai trĩu trịt. Với các nhà khoa học, để lý giải được điều này quả không hề dễ dàng.

Ngày nào cũng vậy, cứ đúng 6h30 tối, đàn dơi bay lên ríu rít gọi nhau, lượn qua lượn lại mấy vòng, rồi từ giã chùa đi kiếm ăn. Chúng đi ăn rất xa, khắp các miệt vườn dọc sông Tiền, sông Hậu. 

Và rồi, như công thức, đúng 4h sáng đã có mặt đầy đủ ở chùa. Con nào vắng mặt, coi như đã sa bẫy. Loài dơi ở đây rất thông minh, nhưng chúng thường sa bẫy vì đạo nghĩa. Đám săn dơi thường nhốt một vài con dơi trên cây làm mồi nhử. Đàn dơi bay qua, thấy bạn đang kêu cứu, liền sà xuống cứu. Thế nhưng, bạn không cứu được, mà mình bị mắc lưới và trở thành mồi nhậu. 
Diễm Nguyệt

18 tháng 4 2012

Người đàn ông 8 năm tình nguyện dắt trẻ qua đường


Vnexpress.net

Đang làm bảo vệ với thu nhập ổn định ở một hợp tác xã tại xã Quỳnh Văn, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An, đột nhiên ông Điều nghỉ việc, chuyển sang "nghề vác tù và hàng tổng" là đưa trẻ qua đường để đến trường an toàn.

Ông Hồ Văn Điều ở xóm 6, xã Quỳnh Văn, Quỳnh Lưu đã làm một việc mà từ trước đến nay chưa ai nghĩ tới và cũng chưa có ai làm, đó là nhận đưa - đón các em học sinh qua đường quốc lộ 1A đến trường và về nhà.
Một nhóm học sinh theo hiệu lệnh của ông Điều chuẩn bị qua đường. Ảnh: Đức Chung.
Trường tiểu học Quỳnh Văn B nằm giao cắt với quốc lộ 1A, nơi đây lại là khu chợ buôn bán lộn xộn nên trước kia chuyện các em học sinh mải chơi gặp tai nạn xảy ra như cơm bữa.
Nhiều người dân cho biết, có thời gian nơi đây trở thành một điểm đen về tai nạn giao thông mà nạn nhân chủ yếu là học sinh. Đề tài nóng tới mức đi đâu người ta cũng bàn tán về những cái chết đau lòng của con em trong xã. Dân cũng từng nhiều lần kiến nghị lên chính quyền địa phương để tìm cách xóa điểm đen này.
Rồi một hôm, xuất hiện người đàn ông với dáng vẻ khỏe khoắn, nước da ngăm đen tới đứng bên mép đường quan sát dòng xe cộ qua lại đồng thời hướng dẫn cho các em học sinh đi sang được an toàn. Đó chính là ông Điều. Ông tâm sự muốn làm việc không công này chỉ vì "chứng kiến cảnh tụi nhỏ gặp tại nạn liên tiếp thấy đau lòng quá".
Ông Điều đang gom các em học sinh để chuẩn bị qua đường. Ảnh: Đức Chung.
Vậy là từ năm 2004, ngày nào cũng vậy, cứ đến giờ học sinh đi học là ông lại đến trước, sau đó gom các em thành từng nhóm để dắt tay qua đường quốc lộ vào trường. Khi trống trường sắp tan học, ông lại xuất hiện với chiếc gậy trên tay và cái còi để thổi, nhìn trước nhìn sau, nếu không có xe cộ chạy qua là ra hiệu và thổi còi cho các em qua đường trở về nhà.
Một tháng ba mươi ngày hầu như không khi nào ông vắng mặt. Trừ những lúc bận việc hay bị ốm, ông lại nhờ người khác ra làm giúp, những lúc đó các em học sinh luôn miệng hỏi ông Điều đâu rồi.
Biết chồng mình đang làm cái việc đưa trẻ qua đường, vợ ông phản đối kịch liệt vì ông bỏ nghề bảo vệ là mất đi một khoản lương kha khá, anh em họ hàng cũng khuyên nhủ, bàn đủ mọi cách với ông nhưng ông không đổi ý. Thấy vậy, nhiều người xì xào cho là ông có vấn đề, hoặc "rảnh quá không biết làm gì". Nhưng ông không quan tâm, mà chỉ muốn gắng sức để làm được việc gì đó có ích cho xã hội. Ông cười, đôi mắt sáng ngời niềm vui lẫn tự hào khi kể về công việc này.
Đưa hết nhóm học sinh này ông lại quay về gom nhóm khác. Ảnh: Đức Chung.
Mới đầu, ông Điều dùng một cành cây làm hiệu cho các xe đi qua. Đến năm 2009, ông được chính quyền xã cấp cho quần, áo đồng phục và dùi cui để thuận tiện cho công việc hằng ngày. Không chỉ đưa các em nhỏ qua đường, ông còn giúp cả những cụ già đi lại khó khăn hoặc người tàn tật theo cách tương tự.
Và cũng từ khi có ông thì không có một vụ tai nạn nào xảy ra nữa. Mọi người bắt đầu nhìn ông với ánh mắt thiện cảm, biết ơn.
Chị Nguyễn Thị Thanh, bán quán trước cổng trường tiểu học Quỳnh Văn B cho biết: “Giờ cứ hỏi đến ông Điều có lẽ ở đây ai cũng biết, ông ấy hiền lành mà tốt tính lắm, dân chúng tôi rất vui mừng và biết ơn ông, có ông mà con em địa phương đến trường luôn được an toàn. Giờ đây điểm đen về tai nạn ở ngã tư này đã bị xóa bỏ rồi”.
Ông Lê Văn Ba - Phó Chủ tịch UBND xã Quỳnh Văn cho hay: "Việc ông Hồ Văn Điều tình nguyện dẫn trẻ qua đường đã gắn bó với người dân nơi đây được 8 năm rồi. Lúc đầu ông ấy làm tự nguyện, không có trình báo nên xã cũng không biết. Từ năm 2009, khi được nhiều người dân phản ánh và đề nghị nên xã đã mời ông lên và ký hợp đồng trả cho ông 500 nghìn đồng một tháng để hỗ trợ thêm. Việc làm của ông ấy là tấm gương sáng để mọi người noi theo”.
Nắng đã lên cao, mồ hôi đã thấm đẫm ướt hết vạt áo, ông đưa vội cánh tay lên gạt những giọt mồ hôi lấm tấm trên mặt, vui vẻ bảo: “ Đối với tôi có lẽ việc đang làm bây giờ là niềm vui sướng nhất”.
Đức Chung

Những ngôi nhà bậc thang ấn tượng ở Iran


Những ngôi nhà nằm gối đầu lên nhau là nét đặc trưng của làng Palangan gần biên giới Iran và Iraq.


Palangan (có nghĩa là những con báo ở Ba Tư) là một ngôi làng hẻo lánh, nằm cách thủ phủ Kamyaran của tỉnh Kurdestan, Iran 47 km về phía tây bắc. Ngôi làng gần như nằm tách biệt trong một thung lũng. Tất cả các ngôi nhà ở đây đều được làm bằng đá và xây dựng theo kiểu bậc thang, trong đó nóc của ngôi nhà dưới lại thành sân của ngôi nhà ở phía trên. 
Một bé gái người dân tộc Kurd đang đứng trên mái nhà ở Palangan.
Làng Palangan lúc chạng vạng.
Một người đàn ông đứng trước cửa nhà mình.
Hai cậu bé đứng bên đống lửa khi màn đêm buông xuống ở làng Palangan.
Palangan là một trong những ngôi làng đẹp nhất không chỉ bởi kiến trúc đặc biệt mà còn bởi khung cảnh thiên nhiên nên thơ. 
Đàn cừu được lùa lên núi vào mỗi buổi sáng và trở về làng vào lúc đêm muộn.
Con đường từ làng Palangan tới những ngọn núi gần biên giới Iran-Iraq.
Người chăn cừu lùa đàn gia súc của mình ra đồng cỏ.
Một người đàn ông Kurd được thuê để canh máy làm đường, nhóm lửa giữa đêm lạnh gần đường vào Palangan.
Con đường từ trạm xe buýt về làng.
Khung cảnh thơ mộng của Palangan vào một buổi trưa đầy nắng.
Sầm Hoa (Theo Guardian)