*** "Việt Nam tất nhiên là luôn khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như tính chính nghĩa của cuộc chiến giải phóng người dân Campuchia khỏi thảm họa diệt chủng Khmer Đỏ." - www.facebook.com/WarComissar***

27 tháng 1 2012

Mã Pí Lèng


Chiều dài chỉ khoảng 20 km, cao 2.000m so với mực nước biển nhưng Mã Pí Lèng (Hà Giang) làm bất cứ ai đặt chân đến cũng phải ngợp, nỗi choáng ngợp trước những điều kỳ vỹ, vượt quá sức tưởng tượng của con người.
Các huyện Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc của Hà Giang vào trước năm 1960 tách biệt hẳn với thế giới bên ngoài bởi những dãy núi cao hùng vĩ áng ngữ. Ở đó, có hơn 8 vạn đồng bào chìm trong đói nghèo, lạc hậu và chưa từng biết đến một con đường đúng nghĩa.
Để đem ánh sáng văn minh đến với những con người phía sau cổng trời, Trung ương Đảng, Khu uỷ Việt Bắc quyết định mở đường Hà Giang, Đồng Văn, Mèo Vạc dài 200 km.

Hơn 2 vạn người bao gồm TNXP và người dân thuộc 16 dân tộc ở 6 tỉnh phía Bắc Việt Nam được huy động làm đường. Phải mất gần 6 năm con đường mới hoàn thành và được đặt tên là Hạnh Phúc.
Trong 6 năm đó, những người làm đường phải treo mình suốt 11 tháng trời bên vách đá để đục đẽo, để vắt một dải lụa đẹp như thơ trên dãy núi thẳng đứng như sóng mũi con ngựa, Mã Pí Lèng.
Để cảm hết nét hùng tráng, đẹp đẽ của Mã Pí Lèng, theo tôi phải đi bộ. Tuy nhiên, không có nhiều thời gian cũng như không đủ tự tin để có một đôi chân chắc khoẻ như những phụ nữ người Mông nên có lẽ xe máy là phương tiện hợp lý nhất.
Tháp tùng với Câu lạc bộ Du Khảo TPHCM, tôi đến Hà Giang vào những ngày cuối mùa thu với nắng vàng ươm, đất trời se lạnh. Sau một ngày nhẩn nha trên đoạn đầu của con đường Hạnh Phúc, ghé thăm cột cờ Lũng Cú, điểm cực bắc của tổ quốc, chúng tôi nghỉ đêm ở Đồng Văn.
7 giờ sáng hôm sau, ai cũng nôn nao chuyện chinh phục Mã Pí Lèng nhưng trưởng đoàn trấn an, cứ từ từ vì giờ này, dải lụa mềm mại đó đang ngủ yên trong mây mù.
Sau khi dằn bụng tô sốt vang nóng hổi, ngon đậm đến từng chân răng, chúng tôi đi dạo, làm chầu cà phê phố cổ đến gần 9 giờ mới lên đường.
Ra khỏi thị trấn Đồng Văn, sương trắng vẫn còn vờn quanh những ngọn núi cao nhọn hoắc, sà xuống đường, lạnh buốt. Đến địa phận huyện Mèo Vạc, sương tan, Mã Pí Lèng dần hiện ra.
Ở xứ sở của đá, cái gì cũng có vẻ hiểm trở, cứng nhắc. Núi thì nhọn hoắc, đá cũng nhọn hoắc chen chúc nhau, chĩa thẳng lên trời. Chỉ có con đường là mềm mại như lụa…
Và dải lụa đó cứ quanh co, làm duyên làm dáng mãi, uốn lượn qua hẻm núi này, chợt lên con dốc nọ rồi bỗng tắm mình trong một màu vàng ươm của nắng thu. Đó là lúc chúng tôi đã lên đến điểm cao nhất của Mã Pí Lèng.
Đưa máy chụp hình lên ngắm, tôi bấm vài tấm rồi buông thõng tay, cảm giác bất lực. Từ ngữ, ống kính máy chụp hình hay quay phim đều sẽ trở nên vô nghĩa khi đứng trên đỉnh Mã Pí Lèng. Không có gì có thể lột tả được hết sự trùng điệp, chớn chở của núi, cái trắng xoá, xa mờ ảo, huyền hoặc của mây, cái thăm thẳm sâu của vực...
Đứng trên đỉnh Mã Pí Lèng, tôi thấy mình cao muôn trượng, núi gần quá, mây gần quá tưởng chừng như vói tay thôi là đã chạm được. Núi nhiều đến mức chen lẫn vào trong mây, xô đẩy mãi, nuốt chửng cả đường chân trời.
Đây có khác nào thiên đường? Phải, một thiên đường đúng nghĩa làm người ta sững sờ chết lặng. Nó rộng lớn, kỳ vỹ đến mức dòng sông Nho Quế xanh biếc phải khép nép, ép mình lặng lẽ chảy qua cái khe nhỏ dưới đáy vực sâu; làm con đường do công sức của hàng vạn con người tạo ra trở thành một sợi chỉ mỏng manh, viền hờ hững qua sườn núi; làm chúng tôi, những con người trẻ tuổi mới đây thôi còn thấy mình cao lớn, mạnh mẽ trở nên vô nghĩa trước thiên nhiên.
30 phút đứng trên đỉnh của Mã Pí Lèng, tôi thu tất cả vào tầm mắt mình cái hùng vĩ, tráng lệ của cao nguyên đá Đồng Văn. Đọc nội dung bảng tổng kết quá trình thi công con đường và chợt nhận ra, cái kỳ vỹ này chẳng thấm vào đâu so với sức mạnh của con người.
Núi đá tai mèo cheo leo hiểm trở, cứng như sắt thép. Vậy mà, không cần máy móc tối tân, không cần mìn, bộc phá, bàn tay của hàng vạn con người đã làm nên kỳ tích.
Nhìn vực sâu, nhìn sườn núi cheo leo, tôi mới hình dung ra tại sao hàng vạn con người của những năm 60 của thế kỷ trước phải treo mình trên đó 11 tháng. Khó mà đong đếm được bao nhiêu mồ hôi, bao nhiêu máu đã đổ trên cao nguyên đá để đem hạnh phúc đến cho 8 vạn đồng bào miền núi, đưa họ từng bước tiến kịp với miền xuôi.
Cao nguyên Đồng Văn là một thiêng đường, nhưng thiêng đường đó không phải là mảnh đất màu mỡ cho sự sống. Nhờ bàn tay của hàng vạn con người trẻ tuổi, thiêng đường đó đã trở thành thiêng đường hạnh phúc. Hạnh phúc cho đồng bào các dân tộc miền núi, hạnh phúc cho cả chúng tôi, được đi, đến và chiêm ngưỡng vẻ đẹp vô tận của đất nước mình.
Khi những vòng bánh xe đều đều cứ tuột dần xuống dốc, núi càng cao hơn che khuất cả ánh nắng mặt trời là lúc tôi biết mình đã qua Mã Pí Lèng và cũng đã đi sắp hết con đường Hạnh Phúc, mà điểm cuối là thị trấn Mèo Vạc.
Thế hệ trước đã mất 6 năm để làm con đường hạnh phúc, mất 11 tháng căng mình đục đá để tạo 20 km đường, vượt qua dốc Mã Pí Lèng. Vậy mà, chúng tôi chỉ mất 1 ngày và 1 giờ để đi qua… Cảm giác hụt hẫng, nuối tiếc trào lên trong lồng ngực.
Tôi thấy mình quá vội vã, tôi sợ mình đã bỏ sót điều gì đó chưa kịp thu vào tầm mắt, ghi vào trong bộ não. Tôi chợt nhận ra mình chỉ mới lướt qua chứ chưa thật sự đi trên Mã Pí Lèng.
Hạnh phúc không bao giờ là đủ nếu người ta còn quá nhiều nỗi khát khao. Tôi sẽ trở lại Hà Giang, trở lại Đồng Văn để lại đi trên Mã Pí Lèng. Tôi sẽ đi thật chậm để cảm nhận đầy đủ niềm hạnh phúc mà hơn 2 vạn thanh niên ngày đó đã mang đến cho mảnh đất này và thế hệ mai sau.
 
Cao nguyên đá Đồng Văn nhìn từ Mã Pí Lèng chẳng khác nào thiêng đường - Ảnh: H. Lân

Sương tan dần, những dãy lụa mỏng vắt trên cao nguyên đá Đồng Văn hiện ra - Ảnh: M. Châu

Luồn hết qua hẻm núi này lại ngoặc qua con dốc nọ... - Ảnh: T.Kim

... rồi dần hiện ra dưới nắng thu vàng - Ảnh: T. Kim

Bên trên, Mã Pí Lèng vắt hờ hững một sợi chỉ mỏng manh bên sườn núi - Ảnh: B. Long

Bên dưới vực thẳm, dòng sông Nho Quế xanh biếc lặng lẽ len mình - Ảnh: T.Kim

Có cả một con đường uốn khúc, đẹp như thơ - Ảnh: T.Kim

Bia đá kỉ niệm đặt trên đỉnh Mã Pí Lèng. Ảnh: T.Kim

Bia đá ghi lại những số liệu lịch sử thi công con đường Hạnh Phúc được đặt tại thị trấn Mèo Vạc - Ảnh: T.Kim

Các thành viên trong CLB Du khảo TPHCM ở trạm dừng chân trên dốc Mã Pí Lèng - Ảnh: H. Lân
Theo Người Lao Động

Bí ẩn đôi rồng đá mất đầu ở Thành nhà Hồ


VietNamNet-Một cách lý giải lưu truyền trong dân gian là do làng Xuân Giai thường xuyên bị cháy nhà, người dân cho rằng do rồng quay đầu về làng, đêm đêm phun lửa gây ra nên đã chặt đầu rồng trừ hậu họa...

3 tháng xây xong kinh thành đá độc nhất vô nhị
Thành nhà Hồ là một công trình kiến trúc bằng đá độc đáo có một không hai tại Việt Nam, một di sản biểu tượng tiêu biểu của những công trình thành cổ. Được Hồ Quý Ly cho xây dựng vào năm 1397, thành này còn được gọi là Tây Đô (hay Tây Giai) để phân biệt với Đông Đô (Thăng Long- Hà Nội). 
 
Đôi rồng đá bị cụt đầu hiện nay vẫn được đặt ở trung tâm tòa thành. Hai con rồng nằm song song hai bên đường đi xuyên qua thành nối từ cổng Nam lên cổng Bắc.

Sử cũ chép, vào năm 1397, trước nguy cơ đất nước đứng trước mưu đồ xâm lược của nhà Minh, Hồ Quý Ly đã chọn đất An Tôn (nay thộc xã Vĩnh Tiến và Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc) để xây dựng kinh thành nhằm chuẩn bị cho một cuộc kháng chiến lâu dài.

Vùng đất được chọn có địa thế rất hiểm yếu, có đường đi từ Bắc vào Nam và sang Lào, xung quanh được án ngữ bởi nhiều ngọn núi cao, hai mặt Nam, Bắc có Sông Mã và sông Bưởi chảy qua.
Thành nhà Hồ gồm 3 bộ phận, La thành, Hào thành và Hoàng thành. Trong đó, công trình đồ sộ nhất và còn khá nguyên vẹn cho đến ngày nay là Hoàng thành.
Toàn bộ mặt ngoài tường thành và bốn cổng chính được xây dựng bằng những phiến đá vôi màu xanh, được đục đẽo tinh xảo, vuông vức, xếp chồng khít lên nhau. Các bức tường thành được ghép từ những khối đá lớn, có phiến dài tới hơn 6m, trọng lượng ước nặng hơn 20 tấn. Tổng khối lượng đá được sử dụng xây thành khoảng 20.000m3 và gần 100.000m3 đất được đào đắp công phu.

Các nhà nghiên cứu lịch sử đánh giá, kiến trúc của Thành nhà Hồ là rất khoa học, với các phiến đá được đục đẽo vuông vức, công phu xếp đan xen theo hình múi bưởi để tránh động đất.
Điều đặc biệt là giữa các phiến đá xây thành không có bất kỳ chất kết dính nào nhưng toà thành vẫn đứng vững hơn 600 năm qua dù chịu rất nhiều tác động của địa chấn và chiến tranh bom đạn tàn phá.

Một điều đáng ngạc nhiên nữa là một công trình kiến trúc đồ sộ, vững chắc như vậy mà quá trình xây dựng chỉ vỏn vẹn trong vòng ba tháng (từ tháng 1/1397 đến tháng 3/1397).
Theo nhận định của nhiều nhà nghiên cứu điêu khắc, đôi rồng đá này thuộc loại tượng rồng lớn nhất và đẹp nhất còn lại ở Việt Nam.

Thời ấy chưa có công nghệ ghép đá gắn xi măng, vậy làm sao để những bức tường thành vẫn được xếp vuông vắn, thẳng đứng và tồn tại đến ngày nay? Điều gì đã giúp những người thợ thuở xưa với công cụ thô sơ lại có thể vận chuyển và xây nên những bức tường thành bằng những phiến đá khổng lồ?
Câu trả lời được hé lộ phần nào khi người ta tìm thấy hàng trăm viên bi đá lớn (bằng quả bóng đá), nhỏ (bằng quả bóng tennis) trong nhiều lần khai quật khảo cổ.
Việc tìm thấy những viên bi đá này giúp củng cố giả thiết rằng, người thợ khi xưa đã dùng chúng như những con lăn để tời đá từ vùng khai thác (cách vị trí xây thành hàng chục km). Kết hợp với tời, đắp đất người ta đã đưa những phiến đá này lên cao để xây thành.

Đây là tòa thành duy nhất của Việt Nam xây bằng đá và giữ kỷ lục là công trình được người Việt Nam thiết kế xây dựng nhanh nhất. Di sản này còn gắn với tên tuổi Hồ Quý Ly - nhà cải cách và canh tân hàng đầu của Việt Nam thế kỷ 15 với việc đề ra nhiều chính sách táo bạo như việc mở mang trường học, đề cao chữ Nôm, phát hành giấy bạc...

Ai chặt đầu rồng?

Thành Tây Đô ẩn chứa quá nhiều câu hỏi chưa có lời giải đáp thỏa đáng. Trong những bí ẩn đó là đôi rồng đá bị mất đầu. Đôi rồng đá bị cụt đầu hiện nay vẫn được đặt ở trung tâm tòa thành.
Hai con rồng đá nằm song song hai bên đường đi xuyên qua thành nối từ cổng Nam lên cổng Bắc. Nhà Hồ thất thủ, đôi rồng đá cũng mất tích bí ẩn lúc nào không ai hay.
Vào năm 1938, tượng rồng đầu tiên được một nông dân phát hiện khi đang cày ruộng trong thành. Cho rằng, đã là tượng rồng ở cung vua thì nhất thiết phải có cặp nên các chức dịch trong làng đã cho đào bới khắp vùng mới tìm được tượng rồng đá thứ hai.
Ai đã chặt đầu rồng? Đó là câu hỏi chưa có lời giải đáp thoả đáng.
 
Cặp rồng được chạm khắc rất tỉ mỷ, trau chuốt. Thân rồng thon nhỏ dần về phía đuôi, uốn bảy khúc, vây lưng nhỏ, đều.
Rồng có bốn chân, mỗi chân 3 móng với các túm lông lượn mềm mại. Đầu rồng hiện đã bị mất nhưng vẫn còn lại phần bờm dài lượn chín nếp. Các khoảng trống dưới bụng và các ô tam giác ghép thành bậc đều được chạm hoa cúc và các móc hoa lượn mềm.
Theo nhận định của nhiều nhà nghiên cứu điêu khắc, đôi rồng này là loại rồng chạm khắc trên thềm bậc của các cung điện như hiện thấy ở điện Kính Thiên (Hoàng thành Thăng Long), chính điện Lam Kinh (Thanh Hóa).

Ai đã chặt đầu rồng? Cho đến nay có khá nhiều lý giải về việc này. Người thì cho rằng, sau khi xâm lược được nước ta, quân Minh đã chặt đầu rồng, biểu tượng quyền lực của nhà Hồ để thể hiện sự diệt vong của vương triều này.
Lại có người cho rằng việc này là do những người bất đồng chính kiến với nhà Hồ gây ra. Một ý kiến khác nhận định, thời kỳ mới chiếm đóng nước ta, người Pháp bắt dân trong vùng hàng tháng, hàng năm phải trải chiếu hoa trên con đường dẫn tới đôi rồng đá.
Người dân bức xúc mà chặt đầu rồng? Còn có một cách lý giải lưu truyền trong dân gian khá thú vị. Một cụ ông cao niên trong làng kể rằng, có một thời kỳ làng Xuân Giai (nằm ở cổng Nam, thuộc xã Vĩnh Tiến) thường xuyên bị cháy nhà, người dân cho rằng do rồng quay đầu về làng mình phun lửa gây ra cháy nhà nên đã chặt đầu rồng!?

Người dân xứ Thanh còn truyền tai nhau câu chuyện, tương truyền trong mắt rồng ở cung cấm thường có yểm rất nhiều vàng ngọc châu báu.
Một đêm, lợi dụng lúc trời sầm sập đổ mưa, trong thành hoang vắng không bóng người qua lại, hàng chục tên đạo tặc bịt mặt với đao trên tay đã chặt đầu đôi rồng mang đi xa rồi đập nát để tìm ngọc quý. Cũng chẳng ai nhớ nổi đó là năm nào?

Tiến sỹ Phạm Văn Đấu (Hội sử học Thanh Hoá) cho biết, đôi rồng đá ở thành Tây Đô thuộc loại tượng rồng lớn nhất và đẹp nhất hiện còn lại ở Việt Nam.
“Sử cũ không ghi chép cũng không ai biết đôi rồng đá bị mất đầu từ bao giờ, nhưng giả thiết cho rằng, sau khi xâm lược được nước ta, quân Minh đã cho chặt đầu rồng mang về báo công được nhiều người chấp nhận”.

Thanh Lê – Duy Tuấn

25 tháng 1 2012

Khám phá hồ nham thạch lớn nhất thế giới


VTC New - 24/01/2012 18:45

Hồ nham thạch Núi Nyiragongo ở châu Phi được coi là hồ nham thạch lớn nhất thế giới, là miệng núi lửa rộng 20 km và sâu 600m.

Lần hoạt động gần đây nhất của miệng núi lửa này là vào tháng 1.1977. Điểm cao nhất của hồ nham thạch này so với mực nước biển là 3.250m.
Khám phá hồ nham thạch lớn nhất thế giới
 
Khám phá hồ nham thạch lớn nhất thế giới
 
Khám phá hồ nham thạch lớn nhất thế giới
 
Khám phá hồ nham thạch lớn nhất thế giới
 
Khám phá hồ nham thạch lớn nhất thế giới
 
Khám phá hồ nham thạch lớn nhất thế giới
 
Khám phá hồ nham thạch lớn nhất thế giới
 
Khám phá hồ nham thạch lớn nhất thế giới
 
Khám phá hồ nham thạch lớn nhất thế giới
 
Khám phá hồ nham thạch lớn nhất thế giới
 

24 tháng 1 2012

Trải nghiệm "tứ đại đèo" vùng Tây Bắc


Nếu đã đặt chân đến vùng đất Tây Bắc, dân "phượt" luôn khát khao chinh phục "tứ đại đèo" gồm: Đèo Pha Đin, đèo Ô Quý Hồ, đèo Khau Phạ và đèo Mã Pí Lèng với những khúc cua "tay áo", vẻ đẹp trùng điệp của núi rừng, xen lẫn nét thơ mộng của những bản làng mang đậm sắc màu văn hóa vùng cao.


Những cung đèo tít tắp

Cung đường đèo đầu tiên trong "tứ đại đèo" mà chúng tôi vượt qua là đèo Pha Đin. Đèo Pha Đin không chỉ nổi tiếng bởi sự hiểm trở, mà còn mang dấu ấn của giai đoạn lịch sử oai hùng trong kháng chiến chống Pháp. Chữ Pha Đin trong tiếng Thái có nghĩa là Trời và Đất. Tên con đèo hàm nghĩa đây là nơi đất trời gặp gỡ. Đèo dài khoảng 32 km, nối từ huyện Thuận Châu (Sơn La) tới huyện Tuần Giáo (Điện Biên).

Lên đến điểm cao nhất của đèo Pha Đin (1.648 m), òa ra trước mắt du khách là màu xanh ngút ngàn của thung lũng Mường Quài tương phản với nền trời lúc nào cũng được bao phủ bởi lớp sương mù huyền ảo. Du khách sẽ cảm nhận được sự hùng vĩ với một bên là vách núi cao, một bên là vực sâu và độ dốc trung bình khoảng 15 độ. Đỉnh đèo chính là nơi phân cách 2 tỉnh Điện Biên và Sơn La, ở đó có một chợ của người dân họp vào buổi sáng mỗi ngày, bán rất nhiều sản vật độc đáo của địa phương.
Đèo Pha Đin.

Theo cán bộ Sở VH,TT&DL Điện Biên, tuyến đường qua đèo Pha Đin được làm mới bám theo sườn núi phía trái của quốc lộ 6 cũ, giảm cua và dốc so với tuyến đèo cũ. Sự có mặt của tuyến đường tránh đèo Pha Đin có độ cao khoảng 1.000 m (thấp hơn đèo Pha Đin 200 - 400 m), đã khiến xe cộ ít lưu thông qua cung đường qua đèo Pha Đin và con đèo chỉ còn phù hợp với khách du lịch ưa mạo hiểm.

Giờ đây, tuyến đường đèo Pha Đin là điểm trong hành trình du lịch đường bộ đi từ Sơn La lên Điện Biên. Đi trên hành trình này, du khách sẽ nghe kể lại lịch sử tuyến đường 6 qua đèo Pha Đin, một trong những tuyến huyết mạch quan trọng tiếp vận vũ khí đạn dược và lương thực cho chiến dịch Điện Biên Phủ (năm 1954) của quân và dân ta, đã khiến đèo Pha Đin trở thành một biểu tượng của tinh thần gan dạ với hơn 8.000 thanh niên xung phong "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh".

Năm 1954, nhằm chặn đứng tuyến tiếp vận này của quân ta, suốt 48 ngày đêm ròng rã, quân Pháp đã cho máy bay oanh tạc đường số 6, trong đó đèo Pha Đin là địa điểm hứng chịu nhiều nhất lượng bom đạn đổ xuống. Trên đỉnh đèo Pha Đin hiện còn tấm bia ghi lại dấu ấn lịch sử này.

Mất gần 3 tiếng, chúng tôi mới đi từ Tam Đường (Lai Châu) đến đỉnh đèo Ô Quý Hồ, do tuyến đường còn nhiều chỗ đang sửa. Đỉnh đèo Ô Quý Hồ là điểm phân cách gữa 2 tỉnh Lai Châu và Lào Cai. Đèo Ô Quy Hồ còn được người dân địa phương gọi là đèo Hoàng Liên Sơn, là một trong số những cung đường đèo dài, hiểm trở nhất và hùng vĩ bậc nhất ở miền núi phía Bắc.

Con đèo dài nhất Việt Nam này dài khoảng 50 km và độ cao xấp xỉ 2.000 m. Tên gọi Ô Quý Hồ bắt nguồn từ truyền thuyết dân gian về tình yêu của một đôi lứa nhưng bị chia lìa, gắn liền với sự tích tên gọi một loài chim có tiếng kêu da diết như hoài niệm người tình xưa. Từ đó, theo thời gian, tiếng kêu "ô quý hồ" của loài chim ấy đã được đặt thành tên cho con đèo ở độ cao gần 2.000 m này.

Ai đã đi cả dọc chiều dài đèo Ô Quý Hồ sẽ cảm nhận được sự khác biệt rất lớn về nhiệt độ ở hai phía của con đèo. Nếu quý khách đang chịu cái nóng ấm hơi khô của sườn Tây dãy Hoàng Liên (thuộc Lai Châu) sẽ ngạc nhiên thích thú khi vượt qua đỉnh đèo Ô Quý Hồ, để đón nhận hơi gió lúc nào cũng ẩm và mát lạnh bên phía Sa Pa (Lào Cai), thậm chí trong mùa đông, đỉnh đèo thường xuất hiện băng tuyết.

Từ đỉnh đèo, chỉ đi thêm một đoạn không xa là du khách đã tới Trạm Tôn, vừa là nơi nghỉ ngơi sau một chặng đường dài, vừa là điểm xuất phát cho các tour trekking thăm thác Tình Yêu hoặc tour chinh phục Fansipan, nóc nhà Đông Dương. Theo các doanh nghiệp du lịch, dù chỉ có 1/3 chiều dài nằm bên Sa Pa nhưng đây luôn là điểm thu hút khách đến trải nghiệm.

Vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên

Hà Giang đang là một điểm du lịch mới nổi với Cao nguyên đá Đồng Văn được công nhận là thành viên Công viên địa chất toàn cầu. Một trong những điểm đèo mà du khách không thể không nhắc đến là đèo Mã Pí Lèng, đã được bộ VH,TT&DL xếp hạng là danh thắng cấp quốc gia vào ngày 16/11/2009.

Khu vực đỉnh đèo Mã Pí Lèng được đánh giá là một trong những điểm quan sát toàn cảnh vào loại đẹp nhất ở Việt Nam với hẻm vực sông Nho Quế là một trong những thung lũng kiến tạo độc nhất vô nhị ở Việt Nam, cũng như trên thế giới.
Dòng sông Nho Quế chảy dưới chân đèo Mã Pí Lèng như một dải lụa màu xanh. Ảnh: Muathusau
Đèo Mã Pí Lèng có độ cao đỉnh đèo xấp xỉ 2.000 m, dài 20 km, chạy vòng vèo quanh núi Mã Pí Lèng, trên trầm tích cổ hàng trăm triệu năm, xen giữa những phiến đá vôi, đá phiến ánh chứa đầy những hóa thạch quý và dấu tích đặc biệt của thời gian.

Tuyến đường đèo Mã Pí Lèng nằm trên con đường mang tên Đường Hạnh Phúc nối liền thành phố Hà Giang, Đồng Văn và thị trấn Mèo Vạc. Con đường dài khoảng 200 km này được hàng vạn thanh niên xung phong của các tỉnh miền Bắc làm trong 6 năm (1959 - 1965) với trên 2 triệu ngày công lao động.

Chính vì vậy, con đường đèo 20 km hùng vĩ này còn được nhìn nhận như là một kỳ quan từ sức lao động của hàng vạn thanh niên xung phong, trong đó có đội cảm tử phải treo mình trên độ cao 1.600 m và đục từng tảng đá...

Sau khi hoàn thành, đèo Mã Pí Lèng tuy không dài nhưng là con đèo hiểm trở bậc nhất ở vùng núi biên viễn phía Bắc. Cánh lái xe du lịch thừa nhận, trong các cung đèo, đây là tuyến đèo khó đi nhất và chỉ có xe dưới 30 chỗ chạy được, thường là xe dưới 16 chỗ.

Điểm cuối mà chúng tôi đặt chân đến trong cả chuyến hành trình là đèo Khau Phạ, nơi có thể từ đây ngắm danh thắng quốc gia ruộng bậc thang Mù Cang Chải. Đèo Khau Phạ là đèo hiểm trở nhất trên tuyến quốc lộ 32, dài trên 30 km.

Khau Phạ là tên ngọn núi cao nhất khu vực, trong tiếng Thái có nghĩa là Sừng Trời, có thể hiểu là ngọn núi nhọn nhô cao hướng lên trời xanh, nằm ở khu vực giáp giới giữa huyện Văn Chấn và huyện Mù Cang Chải của tỉnh Yên Bái. Đèo Khau Phạ có độ cao từ 1.200 m đến 1.500 m so với mực nước biển, đôi khi còn được hiểu là "Cổng Trời" trên hành trình từ Mường Lò (Nghĩa Lộ, Yên Bái) lên Mù Cang Chải.

Qua đèo Khau Phạ, du khách không những có cảm giác trở về với sự hoang sơ mà còn được tận hưởng khí hậu bốn mùa trong một ngày. Khau Phạ đẹp nhất vào mùa lúa, tầm tháng 9, tháng 10, khi lúa trên chân ruộng bậc thang chín vàng từ Tú Lệ (Văn Chấn) đến huyện Mù Cang Chải.

(Theo Xuân Cường - Tin tức)