*** "Việt Nam tất nhiên là luôn khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như tính chính nghĩa của cuộc chiến giải phóng người dân Campuchia khỏi thảm họa diệt chủng Khmer Đỏ." - www.facebook.com/WarComissar***

31 tháng 10 2011

TTO-Xin giữ lại tên “sóc Bom Bo”


Xin giữ lại tên “sóc Bom Bo”
Tiếp xúc với chúng tôi, người dân sóc Bom Bo ngày nào cho biết, điều họ trăn trở nhất lúc này là mong muốn được trả lại cái tên "sóc Bom Bo" hào hùng.
Vượt gần 70 km từ thị xã Đồng Xoài (Bình Phước) chúng tôi theo quốc lộ 14 về thôn 1, xã Bình Minh (huyện Bù Đăng), địa danh của một vùng đất mà cố nhạc sĩ Xuân Hồng cho ra đời bài hát Tiếng chày trên sóc Bom Bo.

Mô hình nhà rông bằng bê tông tại Bảo tàng dân tộc S'tiêng tại thôn 1, 2, xã Bình Minh - Ảnh: CTV 
Gặp chúng tôi, ông Điểu Lên (già làng thôn 1, xã Bình Minh), kể: "Tôi sinh năm 1945 tại cái “bon” này. Người S’tiêng gọi thôn là “bon” và được nhạc sĩ Xuân Hồng đổi thành “sóc” - như cách gọi của người dân tộc Khơme để cho thuận lời bài hát. Năm 1963, vì không chịu nổi chính sách “dồn dân lập ấp” của Mỹ - ngụy, tôi cùng người dân của sóc Bom Bo một lòng theo cách mạng. Trong chuyến đi thực tế để sáng tác, nhạc sĩ Xuân Hồng đã ở tại đây và cho ra đời bài hát nổi tiếng Tiếng chày trên sóc Bom Bo từ khoảng năm 1965-1967".
Một đêm ở lại với già làng Điểu Lên, chúng tôi nghe ông thổ lộ, điều ông và dân làng trăn trở nhất lúc này không phải có được sức khỏe hay phú quý mà chỉ mong làm sao giữ lại cái tên sóc Bom Bo như ngày trước.
Bởi theo vị già làng, sau ngày giải phóng, ông cùng toàn dân sóc Bom Bo trở về nơi chôn nhau cắt rốn để sinh sống và qua thời gian, sóc Bom Bo ngày nào đã bị đổi thành thôn 1, xã Bình Minh. "Người dân chúng tôi đã bị tước mất cái tên Bom Bo của mình. Chính quyền có đặt tên xã Bom Bo, nhưng cách ranh giới chúng tôi sinh sống khoảng 10 km, điều này không đúng thực tế” - già làng Điểu Lên bộc bạch.
Ông Điểu Giá (Phó chủ tịch UBND H.Bù Đăng) cho rằng việc người dân sóc Bom Bo đòi lại tên là hoàn toàn chính đáng. Tuy nhiên, việc phân chia địa giới do Chính phủ quyết định nên địa phương không thể làm khác. “Sắp tới khi xây dựng xong Bảo tàng Dân tộc S’tiêng tại thôn 1 và thôn 2 xã Bình Minh, chúng tôi sẽ đặt bảng hiệu giới thiệu cho khách thập phương hiểu rõ hơn về lịch sử của sóc Bom Bo, để mọi người luôn nhớ về quá khứ hào hùng của một địa danh cùng bài hát đã đi vào lòng mỗi người Việt Nam” - ông Điểu Giá cho biết thêm.
Xuân Bình

Độc đáo khách sạn làm từ muối


(Dân trí) - Đến khách sạn Hotel de Sal, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng những kỳ quan thiên nhiên mê hồn tại khu vực hồ muối Colchani (Bolivia) mà còn có được những trải nghiệm hết sức mới lạ tại những căn phòng hoàn toàn bằng muối.
 
Khi mới nhìn hình ảnh của khách sạn Hotel de Sal, bạn sẽ nhầm tưởng nó nằm trên một trên bãi biển với sàn nhà được phủ nhiều lớp cát và các bức tường bằng đá. Nhưng thật ra khách sạn này lại được làm hoàn toàn từ muối, kể cả các đồ nội thất bên trong.
 
Khách sạn Hotel de Sal, nằm gần ColchaniBolivia. Tại đây, ngoài việc có được những trải nghiệm mới lạ trong căn phòng hoàn toàn làm từ muối, du khách còn có cơ hội thưởng thức vẻ đẹp tuyệt vời của các hồ muối - kỳ quan thiên nhiên nổi tiếng tại Bolivia, vốn được mệnh danh là nơi trời đất giao thoa.
 

Để qua đêm tại khách sạn Hotel de Sal, du khách có thể thuê một phòng đôi với 84 bảng Anh (gần 3 triệu đồng).

Anh Pedro Pablo Michel Rocha, một hướng dẫn viên du lịch làm việc choHidalgo Tours đơn vị hợp tác với khách sạn Hotel de Sal, chia sẻ: “Ngay từ cái nhìn đầu tiên, tôi thực sự bị cuốn hút bởi khách sạn này. Nhiều du khách còn tận tay sờ vào những đồ vật trong khách sạn để chắc rằng chúng đều được làm từ muối. Được nghỉ ngơi tại những nơi người ta dùng những vật liệu thiên nhiên để làm thật sự là những trải nghiệm hết sức tuyệt vời”.
Mặc dù nơi đây đã đón rất nhiều lượt khách ghé qua nhưng chỉ đến 5 năm trước đây, người ta đã bắt đầu chú ý tới việc khai thác 5,4 tấn lithium bên dưới lớp muối tại khu vực hồ muối này. Lithium tại khu vực này chiếm tới 50% nguồn cung trên toàn thế giới. Đây là chất được dùng nhiều trong sản xuất pin điện thoại, máy tính và xe hơi.
Ngọc Trang
Theo DailyMail

Tình cảm đẹp của một người ăn xin


Vụ án diễn ra đã khá lâu, vị thẩm phán chủ tọa phiên tòa giờ chỉ còn nhớ mỗi tên bị cáo nhưng tình tiết trong vụ án thì ông không quên bởi đó là một câu chuyện cảm động, kết cục có hậu.


Bốn năm ròng một người ăn xin dành dụm tiền nuôi một cô bé ăn học. Nhưng rồi túng bấn, ông đã ăn trộm để có tiền lo cho cô bé. Trùng hợp, người bị hại chính là mẹ của cô bé kia và từ đây, câu chuyện đầy ân tình diễn ra tại một huyện nghèo ven sông Chu (tỉnh Thanh Hóa) được biết đến.

1. Vị thẩm phán kể, bị cáo ấy tên Thung, khoảng 50 tuổi. Năm 2004, khi đang ăn xin trong chợ, ông nhìn thấy một phụ nữ từ tiệm vàng bước ra nên theo dõi. Lúc người phụ nữ mua rau, ông lén lấy trộm của nạn nhân hơn 2 triệu đồng. Định tẩu thoát nhưng ông vướng vào một em bé vấp ngã nên bị phát hiện, bắt giữ. Sau một tuần bị tạm giam, ông được hai người đến bảo lãnh. Thật ngạc nhiên, người bảo lãnh đó lại là nạn nhân và con gái bà. Cũng từ đó, người bị hại đã kể ông Thung chính là ân nhân của con gái bà, gia đình bà, chính là người bốn năm ròng lo cho con gái bà ăn học ĐH nên người…

Ông Thung không vợ con, thuê phòng trọ sống một mình. Năm 2000, T. - con gái của nạn nhân đến trọ học cùng khu với ông. Ba của T. không muốn cho con học hành lên cao vì quan điểm “con gái học làm gì cho nhiều” nên bắt về lo chuyện chồng con. Dù ham học và muốn thoát cảnh nghèo nhưng T. đành chấp nhận. Ngày chuẩn bị thu dọn đồ về quê, T. qua chào cha Thung (ở xóm trọ ai cũng gọi ông Thung là cha Thung) và khóc.

T. khóc vì muốn được tiếp tục theo học nhưng không thể cãi lời ba và cũng không thể tự lo cho bản thân khi thiếu tiền chu cấp từ phía gia đình. Thương T., ông đã bày ra kế: “Con về xin ba cho đi làm ăn xa vài năm kiếm tiền để về lấy chồng rồi tự đi học”. T. nghe lời nhưng còn băn khoăn không biết xoay xở ra sao. Cha Thung lại trấn an: “Cha có tiền, cha lo được cho con mà”. T. không dám nhận lời vì nghĩ “chẳng có người dưng nào tốt với mình”. Và T. bỏ học thật nhưng chỉ sau một tháng T. lại tiếp tục tới trường...

2. Tiếp lời, vị thẩm phán nói: “Có lẽ nhiều người nghĩ không ai cho không ai cái gì, người dưng nước lã lại càng khó để hết lòng tốt với nhau nhưng cha Thung của T. đã làm được điều đó”.

Sau khi T. về, ông Thung đã gặp ba T. xin cho T. được đi học. Không lay chuyển được định kiến của ba T., ông Thung quyết âm thầm hỗ trợ cho T. Cảm kích trước tấm lòng cha Thung, từ đó T. tiếp tục theo học. Một ngày nọ, T. đến trường, ông dúi vào tay cô bé một bọc tiền được gói ghém cẩn thận trong một mảnh vải. Toàn tiền lẻ, từng đồng, từng đồng được vuốt thẳng. Ông nói với T. đó là những đồng tiền từ tình thương người khác dành cho ông và ông muốn đem nó vào những việc làm có ích.

Ba của T. không biết chuyện con tiếp tục theo học mà cứ nghĩ con gái đi làm xa kiếm tiền để chuẩn bị lấy chồng. Còn người mẹ thì biết rõ nhưng không dám nói và cũng chưa một lần đến để cảm ơn người dưng tốt bụng này. Và rồi lần gặp trớ trêu trên đã khiến cha Thung chuẩn bị đứng trước bản án tù.

Kể tới đây, vị thẩm phán lôi trong hộc tủ ra một bức thư T. viết gửi ông. Bức thư thống thiết mong tòa đừng xử tội cha Thung. Trong thư T. kể: “Ngày cha Thung trộm tiền của mẹ là ngày con chuẩn bị về thăm nhà. Cha nói sẽ gửi tiền cho con lấy vé xe. Con nói không cần nhưng cha lo con thiếu tiền và rồi cha phạm tội”. Trong thư T. còn kể những ân tình cha Thung dành cho mình chẳng hạn có lần T. viết thư cảm ơn cha và nói mang ơn cha suốt đời nhưng được cha giáo huấn: “Ở đời, chữ nghĩa lớn hơn chữ ơn…”.

Dù tình cảnh đáng thương nhưng với hành vi vi phạm trên không thể không truy tố trách nhiệm hình sự với Thung. Trước vành móng ngựa, bị cáo không hề nói vì muốn có tiền cho con ăn học mà một mực: “Vì tôi không dằn lòng nên nảy tham tà”. Sau khi xem xét các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ tòa tuyên phạt Thung chín tháng tù treo về tội trộm cắp…

Vụ án khép lại. Hai ngày sau, phòng làm việc của vị thẩm phán có tiếng gõ cửa. Ông Thung và T. - lúc này là con nuôi ông, bước vào. Trong buổi trò chuyện hôm đó, ông Thung đã tự trách mình vì một phút nông nổi mà nổi lòng tham và làm trái với những lời mình từng dạy con “nghèo cho sạch…”. Nhưng ông cũng kể cho vị thẩm phán một tin vui, con nuôi của ông đã xin được về dạy tại trường miền núi, dù xa nhà, khó khăn, lương thấp nhưng sống bằng con chữ và ổn định. Ba của T. cũng đã biết chuyện và đến cảm ơn cha Thung. Ông mừng không phải vì một lời cảm ơn của người cha này mà mừng vì hóa giải một định kiến của một người cổ hủ.

Câu cuối cùng trước khi rời phòng vị thẩm phán ông Thung tâm sự: “Tôi sống dựa vào tình thương của người khác nên tôi đáp lại tình thương đó cho người cần nó”. Và câu nói của người đàn ông này, đến nay vị thẩm phán vẫn coi như một lẽ sống. Ở đời, sống là cho đâu chỉ nhận cho riêng mình.
  • Theo Dương Hằng (Pháp luật TP.HCM)

19 tháng 10 2011

Chuẩn đầu ra cách xa thực tế - Thanh niên Online


Các chuyên gia giáo dục ĐH đều đánh giá hiện chuẩn đầu ra (CĐR) mà các trường công bố chỉ là hình thức và không có cơ sở để giám sát.  
Lạc hậu
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, hằng năm nhà trường phải rà soát, điều chỉnh CĐR cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn, sự phát triển của khoa học công nghệ và đặc biệt là đáp ứng nhu cầu xã hội… Tuy nhiên, từ thời điểm các trường công bố đến nay, CĐR của nhiều trường vẫn như cũ.
Chẳng hạn trong năm 2010, Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường phải thay đổi tên ngành, chương trình đào tạo cho phù hợp với mã ngành nhưng trong CĐR nhiều trường vẫn giữ nguyên. Website của trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) công bố rất chi tiết CĐR của từng chương trình đào tạo. Theo đó, ngành kỹ thuật hóa học chỉ có CĐR của 3 chương trình đào tạo gồm: khoa học và công nghệ thực phẩm, kỹ thuật hóa học, công nghệ sinh học. Thế nhưng trong cuốn Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2011, ngành này được đổi thành nhóm ngành công nghệ hóa - thực phẩm - sinh học, với 5 chương trình đào tạo: kỹ thuật hóa, công nghệ chế biến dầu khí, quá trình và thiết bị, công nghệ thực phẩm, công nghệ sinh học. Nhiều ngành khác của trường cũng tương tự.

Các chuyên gia cho rằng cần phải có một tổ chức để kiểm chứng chuẩn đầu ra của các trường - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Lẫn lộn kỹ năng cứng, kỹ năng mềm
Hầu hết các trường đều xảy ra tình trạng nhầm lẫn khái niệm trong CĐR. Có những tiêu chí ở phần kỹ năng lại được công bố ở phần thái độ. Ví dụ, trường ĐH Công nghiệp Hà Nội đề cập đến chuẩn thái độ của người tốt nghiệp ngành công nghệ kỹ thuật cơ điện tử là: “Có khả năng làm việc độc lập, làm việc sáng tạo, có kỹ năng làm việc tập thể!”. Đây là những tiêu chí hoàn toàn thuộc về phần kỹ năng. Trong khi đó, cũng đối với ngành học này, phần kỹ năng lại nêu: “Có kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp, phát hiện và giải quyết vấn đề”. Một sinh viên nhận xét: “Em không hiểu kỹ năng làm việc tập thể và kỹ năng làm việc nhóm khác nhau như thế nào mà lúc thì yêu cầu ở thái độ, lúc thì yêu cầu ở kỹ năng”.
Đáng lưu ý, trong phần công bố về chuẩn kỹ năng lại có những nhầm lẫn nguy hiểm. Chẳng hạn có những tiêu chí thuộc kỹ năng cơ bản (như khả năng sử dụng ngoại ngữ, tin học) thì một số trường “nhét” tất vào kỹ năng chuyên ngành; có những kỹ năng mềm thì được đưa vào phần kỹ năng cứng và ngược lại. Tìm hiểu, chúng tôi phát hiện tại văn bản hướng dẫn xây dựng và công bố CĐR ngành đào tạo, do Bộ GD-ĐT ban hành tháng 4.2010, yêu cầu về kỹ năng đã được quy định không đúng. Theo đó, kỹ năng cứng được quy định bao gồm: kỹ năng xử lý tình huống, kỹ năng giải quyết vấn đề. Còn kỹ năng mềm thì bao gồm cả kỹ năng sử dụng ngoại ngữ, tin học. Một chuyên gia giáo dục phân tích: “Đây là sự nhầm lẫn nghiêm trọng, bởi kỹ năng xử lý tình huống, giải quyết vấn đề là kỹ năng mềm, còn kỹ năng sử dụng ngoại ngữ, tin học là một kỹ năng cứng. Lỗi này thuộc về hệ thống nên có khi trường hiểu đúng cũng phải công bố sai”.

''Việc công bố chuẩn đầu ra của các trường như hiện nay, thực chất chỉ là hình thức và hoàn toàn vô ích'' - Tiến sĩ VŨ THỊ PHƯƠNG ANH, Phó giám đốc Trung tâm bồi dưỡng và hỗ trợ chất lượng giáo dục của Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập
Không ai kiểm chứng
Năm 2008, kết luận tại hội nghị chất lượng giáo dục ĐH toàn quốc, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân (lúc đó kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT) đã yêu cầu: “Phấn đấu đến tháng 12.2008, tất cả các trường ĐH phải công bố CĐR của quá trình đào tạo, nếu không thì phải có chế tài về tuyển sinh”. Tuy nhiên, đến tận tháng 9.2010, mới có 183 trường (đạt tỷ lệ 58,8%) xây dựng và công bố CĐR. Nhưng trong thời gian đó, cũng không có trường nào bị chế tài về tuyển sinh. Vào tháng 4.2010, sau khi Bộ ban hành hướng dẫn về xây dựng và công bố CĐR, quyết liệt yêu cầu các trường phải công bố ở học kỳ II năm học 2009-2010 thì đến nay đã có thêm nhiều trường công bố. Tuy nhiên, như đã đề cập ở trên, hầu như các trường mới chỉ làm để đối phó nên không đảm bảo chất lượng.
Nói về thực trạng này, lãnh đạo một trường ĐH thừa nhận: “Sở dĩ trường công bố sơ sài là do Bộ yêu cầu quá gấp. Theo quy trình, việc xây dựng CĐR phải tuân theo nhiều bước như: tổ chức xây dựng dự thảo CĐR, hội thảo để lấy ý kiến đóng góp của các nhà quản lý, nhà khoa học, giảng viên, nhà tuyển dụng lao động, cựu sinh viên… Sau đó, phải công bố dự thảo CĐR trên trang web của trường để lấy ý kiến. Để làm được như vậy sẽ phải mất rất nhiều thời gian, trong khi Bộ chỉ cho từ 1-2 năm thì không làm được”.
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), cũng cho rằng việc công bố CĐR là rất cần thiết. Tuy nhiên, hiện nay yêu cầu của Bộ GD-ĐT mới chỉ mang tính chất hô hào, không đi vào thực chất. Thế nên, các trường cũng chỉ “ca bài ca chung chung” chứ không phải CĐR cho từng trường. Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh - Phó giám đốc Trung tâm bồi dưỡng và hỗ trợ chất lượng giáo dục của Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập, kết luận: “Việc công bố CĐR của các trường như hiện nay, thực chất chỉ là hình thức và hoàn toàn vô ích. Các trường công bố CĐR chỉ là những phát biểu do chính nhà trường đưa ra, và không ai biết chắc những tiêu chuẩn đó có thể đạt được hay không”. Để thực sự đúng nghĩa CĐR, cô Phương Anh đề nghị: “Cần phải có các tổ chức chuyên nghiệp để đo năng lực người học, đó là những đơn vị thứ 3”.
Hà Ánh - Vũ Thơ