*** "Việt Nam tất nhiên là luôn khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như tính chính nghĩa của cuộc chiến giải phóng người dân Campuchia khỏi thảm họa diệt chủng Khmer Đỏ." - www.facebook.com/WarComissar***

08 tháng 11 2012

"Tôi vốn là nông dân xịn, phải lao động. Còn sức tôi còn đi làm. Trời cho sống ngày nào, tôi còn làm việc, quyết không xin ai cả. Già càng phải giữ cái nết"


Cụ ông 93 tuổi mài dao kiếm sống

60 năm làm nghề mài dao kéo, nay lưng còng, mắt mờ đục, có người khuyên bỏ nghề đi ăn xin cho đỡ vất vả, cụ Chanh gắt: "Trời cho sống ngày nào tôi còn làm việc, quyết không xin ai cả. Già càng phải giữ cái nết".

Cụ Chanh với gánh hành lý lỉnh kỉnh. Ảnh: Lê Hoàng.
4h sáng, cụ Vũ Văn Chanh ở làng Xa Vệ, xã Hoằng Trung (Hoằng Hóa, Thanh Hóa) thức dậy gói hành lý bắt đầu một ngày mưu sinh. Trời vào đông nhưng cụ chỉ phong phanh manh áo mỏng bạc phếch và cứ thế gánh đồ nghề đi khắp thành phố Thanh Hóa, vừa đi vừa rao "ai mài dao kéo đi". Gặp khách, cụ chậm rãi giở hòn đá mài, cái chậu đựng nước và còng lưng rạp đất miệt mài mài dao.
Kết thúc một ngày làm việc, cụ lại lê bước chân tập tễnh về góc vỉa hè. Đôi bàn tay đầy gân guốc run run dở gói cơm nguội, nắm muối vừng, vài con cá khô. Ăn xong bữa tối, xếp gọn hành lý, cụ chậm rãi kể về cuộc đời nhiều cơ cực.
Sinh ra trong gia đình đông anh em ở vùng quê nghèo xã Hoằng Trung, huyện Hoằng Hóa, gần 30 tuổi cụ Chanh mới lấy được vợ. "Hồi đó nhà tôi nghèo gần như nhất làng Xa Vệ. Bố mẹ dạm hỏi năm bảy mối nhưng không ai nhận lời vì chê cảnh nhà nghèo rớt mồng tơi", cụ kể.
Thương người đàn ông nghèo chịu khó, một phụ nữ quá lứa lỡ thì chấp nhận về làm vợ. Ngày cưới, nhà trai chỉ có rổ khoai lang đào ngoài đồng về luộc mời anh em họ hàng. Nghèo đói nhưng ngày ấy cụ Chanh thấy hạnh phúc vì có vợ có chồng. Hơn chục năm sau ngày cưới, vợ cụ ra đi vì bệnh hiểm nghèo, bỏ lại 4 người con. Ít năm sau, hai người con cũng mất, cụ đành sống cảnh gà trống nuôi con.
Đồ nghề của cụ Chanh chỉ có chậu nước và viên đá mài. Ảnh: Lê Hoàng.
Giọng nói chậm rãi song còn khá minh mẫn, cụ kể về cái duyên đến với nghiệp dao kéo. Tình cờ cụ xin được viên đá mài của người bạn về mài dao cho gia đình. Hồi đó, đá mài không sẵn nên hàng xóm đến nhờ cụ mài dao giúp. Thấy cụ mài khéo nên hễ dao cùn dân làng lại mang đến nhờ làm mới. Nhờ mãi cũng ngại nên nhiều người tìm cách trả công. Ở quê không sẵn tiền nên dân làng thường trả cho cụ vài bắp ngô, nải chuối hay bơ gạo.
Những ngày nông nhàn, cụ Chanh tranh thủ cuốc bộ đi mài dao cho bà con quanh vùng. Đi mãi thành quen, cụ mở rộng địa bàn lên thành phố rồi "biên chế" luôn ở đó cho đến bây giờ. Tiền kiếm được cụ dành dụm nuôi con, cháu. Giá mài dao từ 5.000 đến 10.000 đồng tùy theo loại lớn nhỏ, mài kéo rẻ hơn, 3.000-6.000 đồng. Mấy năm nay giá cả tăng nhưng cụ Chanh không tăng giá mài dao để giữ khách.
Trung bình mỗi ngày cụ kiếm được 30.000-50.000 đồng. Có ngày gặp khách, cụ kiếm cả trăm nghìn nhưng không ít hôm đi suốt từ sáng tới khuya mà không ai thuê. Lao động vất vả nhưng cụ Chanh ăn uống rất hà tiện. Mỗi ngày cụ chỉ ăn hai bữa trưa và tối. Mỗi bữa khẩu phần chỉ có vài lát đậu phụ, đĩa rau luộc.
Cụ Chanh kể, thời trai trẻ có ngày cụ đi bộ vài chục cây số. Từ Rừng Thông đến cầu Trầu (huyện Đông Sơn), qua chợ Voi rồi vòng về thành phố, xuống Quảng Xương... chỗ nào cụ cũng đều đặt chân. Mấy năm nay, mắt mờ chân chậm, mỗi ngày cụ chỉ đi được 7-8 km trong nội thành. "Vì đi bộ quanh năm nên gân cốt còn khá chắc chắn, chẳng mấy khi đau ốm", cụ Chanh tự hào khoe.
Cụ bảo ngày xưa nhà nghèo không có tiền tậu xe đạp nên cụ không tập xe. Sau này con cháu sắm được chiếc xe cà tàng nhưng luống tuổi rồi, cụ không tập được nữa nên đành đi bộ miết. Trước chưa có xe buýt, cụ Chanh đi bộ cả mấy chục cây lên thành phố đi làm. Giờ có xe chạy ngang qua quốc lộ gần nhà nên hàng sáng cụ nhờ người đèo ra bến rồi bắt chuyến sớm nhất ngược vào thành phố.
Đi xe buýt nhiều cũng tốn, xin bớt tiền nhưng nhà xe chẳng cho nên cụ Chanh chọn giải pháp ngủ lại thành phố để tiết kiệm. Cứ hai ngày đi làm cụ mới về quê một lần bằng xe buýt, một ngày ngủ lại thành phố. Nhiều hôm mưa gió rét buốt, muốn thuê phòng trọ bình dân nhưng thấy cụ quá già, sợ cụ chết lại mang vạ nên chẳng chủ nhà nào đồng ý.
"Có đêm tôi đi gõ cửa cả chục căn nhà trọ nhưng nhìn bộ dạng lem luốc như người hành khất nên ai cũng lắc đầu rồi đóng sầm cửa lại. Có nhà lịch sự hơn thì hét giá thật cao để mình không thuê được mà bỏ đi. Tôi đành lếch thếch về lại vỉa hè, đêm ấy coi như thức trắng", cụ ông nghẹn ngào.
93 tuổi, cụ Chanh vẫn phải mưu sinh, nhiều hôm phải ngủ tại vỉa hè. Ảnh: Lê Hoàng.
Để tiện cho việc ăn ngủ vỉa hè, trong túi hành lý của cụ Chanh luôn có sẵn chiếc màn và tấm chăn mỏng. Thấy cụ già lọm khọm, nhiều người khuyên bỏ nghề mài dao đi ăn xin cho đỡ vất vả. Nghe ai nói vậy, cụ lại "xẵng giọng giảng cho một bài". "Tôi vốn là nông dân xịn, phải lao động. Còn sức tôi còn đi làm. Trời cho sống ngày nào, tôi còn làm việc, quyết không xin ai cả. Già càng phải giữ cái nết", cụ Chanh khảng khái.
Tính tình thật thà nên cụ Chanh được nhiều người quý mến. Giờ có công nghệ mài dao kéo bằng máy nhưng nhiều thợ may, thợ cắt tóc chỉ chọn "ông Chanh dao kéo" vì cụ mài cẩn thận nên dao kéo giữ được độ bền đẹp. Mỗi ngày cụ chọn một vài tuyến phố để đi, hết một vòng lại quay trở lại. Cứ thế cụ Chanh nhiều lúc làm không hết việc.
Hiện tại hai con cụ đều đã có con, cháu. Người con trai lấy vợ xa quê, gia cảnh khó khăn nên chẳng đỡ đần gì được bố. Cô con gái lấy chồng ở quê cũng không khấm khá hơn. Mơ ước lớn nhất trong đời cụ Chanh là có căn nhà vững chãi để đỡ mưa gió. Mấy chục năm qua, cụ ở tạm gian chuồng lợn cũ cùng con gái và đứa cháu nhỏ. "Cuối đời rồi, chẳng dám mơ ước giàu sang, chỉ mong dành dụm chút tiền sửa lại túp lều cho đỡ mưa dột", cụ Chanh nói.
Ông Đào Minh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Hoằng Trung cho biết, hoàn cảnh cụ Chanh rất thương tâm. Con cháu đều rất khó khăn nên đã gần trăm tuổi, lưng còng sát đất mà cụ vẫn phải đi mài dao mưu sinh. Hiện cụ Chanh được nhà nước hỗ trợ 180.000 đồng một tháng theo chính sách dành cho người cao tuổi.
"Cả đời cụ không biết đến căn nhà cố định. Địa phương đã lập danh sách hỗ trợ cụ làm nhà, nhưng năm 2011 chính sách hỗ trợ hộ nghèo làm nhà lại bị tạm dừng nên chưa giải quyết được. Chúng tôi đang lên kế hoạch, sắp tới sẽ dành một phần ngân sách và kêu gọi nhân dân, các nhà hảo tâm chung tay xây nhà cho cụ", ông Tuấn nói.
Lê Hoàng

05 tháng 11 2012

Giải mã những hòn đá khổng lồ của đền Angkor


Vnexpress-Biện pháp mà người xưa áp dụng để vận chuyển những khối đá sa thạch khổng lồ từ một chân núi để xây Angkor Wat là một bí ẩn trong vài trăm năm qua và mới được giải mã.

Vào thế kỷ 12, vua Suryavarman đệ nhị của đế quốc Khmer ra lệnh xây dựng một khu đền khổng lồ trên một khu đất có diện tích 500 hecta ở thủ đô Angkor. Ban đầu vua Suryavarman muốn xây khu đền để thờ thần Vishnu của đạo Hindu, nhưng các vị vua trong thế kỷ 14 lại quyết định biến nó thành khu đền thờ Phật giáo.
Nhiều nhà khảo cổ ngạc nhiên khi thấy khoảng 5 tới 10 triệu viên gạch sa thạch khổng lồ với khối lượng lên tới 1,5 tấn mỗi viên trong khu đền. Họ biết chúng tới từ những mỏ đá sa thạch ở một chân núi gần đền, nhưng không biết người xưa vận chuyển chúng bằng cách nào. Trước đây một số người đoán người xưa vận chuyển đá qua một kênh nước để đưa chúng qua hồ Tonle Sap bằng thuyền, sau đó họ chèo thuyền ngược dòng một sông để đưa chúng tới vị trí khu đền. Nhưng nếu họ vận chuyển theo lộ trình đó, những khối đá sẽ phải vượt qua khoảng 85 km để tới công trường.
Khu đền Angkor Wat được tạo nên bởi 5 tới 10 triệu viê gạch sa thạch
Khu đền Angkor Wat được tạo nên bởi nhiều viên sa thạch khổng lồ, với khối lượng của nhiều viên lên tới 1,5 tấn. Ảnh: blogspot.com.
Để tìm hiểu bí quyết của người xưa, Estuo Uchida, một nhà nghiên cứu của Đại học Waseda tại Nhật Bản, cùng các đồng nghiệp khảo sát khu vực xung quanh đền và phát hiện khoảng 50 kênh dẫn nước từ núi dọc theo một đê. Họ cũng phân tích những ảnh vệ tinh của khu vực đó và phát hiện hàng trăm con đường từ các kênh tới ngôi đền. Tổng chiều dài từ các kênh và các đường tới ngôi đền vào khoảng 35 km, ngắn hơn nhiều so với khoảng cách hơn 85 km nếu người xưa vận chuyển đá qua hồ và sông, Livescience đưa tin.
"Hệ thống kênh cho thấy những chuyên gia xây dựng thời xưa đã tạo ra lối tắt để giảm công sức và thời gian trong việc vận chuyển sa thạch từ chân núi tới khu đền. Đó là lý do khiến họ xây xong khu đền trong vài thập kỷ, một khoảng thời gian tương đối ngắn so với quy mô đồ sộ của khu đền", Uchida phát biểu.
Minh Long

Cố đô Campuchia suy tàn vì hạn hán


Những đợt hạn hán nghiêm trọng là một trong những nguyên nhân khiến Angkor, thành phố lớn nhất thế giới trong thời kỳ trước cách mạng công nghiệp, suy tàn và biến mất.

Angkor từng là đô thị lớn nhất thế giới trong thời kỳ trước cách mạng công nghiệp. Ảnh:dailynewsbrief.net.
Đại đô Angkor, được xây dựng vào thế kỷ thứ 9 tại Campuchia ngày nay, từng là kinh đô của đế chế Khmer. Sử sách ghi nhận đế chế Khmer từng là một nước rộng và hùng mạnh nhất tại Đông Nam Á trong gần 5 thế kỷ. Tọa lạc trên một vùng đất có diện tích lên tới 1.000 km2, Angkor là đô thị lớn nhất thế giới trong thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp.
Đế quốc Khmer bắt đầu suy tàn từ thế kỷ 14 và người Thái chiếm được đại đô Angkor vào năm 1431. Sau khi bị người Thái đốt, phá, Angkor suy tàn nhanh chóng.
Giới khoa học cho rằng các cuộc chiến tranh liên miên và tình trạng cạn kiệt tài nguyên đất là nguyên nhân dẫn tới sự suy tàn của Angkor. Tuy nhiên, một số nghiên cứu gần đây cho thấy những đợt hạn hán kéo dài mới là thủ phạm, Livescience cho biết.
Người Khmer đào rất nhiều kênh, mương và hồ chứa để tích trữ nước dành cho đồng ruộng trong mùa mưa. Để dựng lại lịch sử khí hậu tại Angkor trong khoảng 1.000 năm, các nhà khoa học của Đại học Cambridge tại Anh đã phân tích mẫu trầm tích trong hồ chứa lớn nhất tại Angkor. Tây Barray, tên của hồ đó, có thể chứa 53 triệu m3 nước.
Kết quả phân tích cho thấy vào giai đoạn mà Angkor sụp đổ, tốc độ lắng tụ của trầm tích chỉ bằng 1/10 so với khoảng thời gian trước. Điều đó cho thấy mực nước trong hồ giảm rất mạnh.
Do cả mực nước và trầm tích đều giảm, hệ sinh thái trong hồ cũng thay đổi. Những loài tảo thích hợp với cuộc sống ở đáy hồ chứa và những cây nổi trên mặt nước sinh sôi nhanh chóng. Cuối cùng, những hệ thống dẫn và giữ nước của đế quốc Khmer trở nên vô dụng trước những biến động bất ngờ trên diện rộng của khí hậu.
“Chúng ta có thể coi Angkor là một ví dụ về việc công nghệ không thể giúp con người ngăn chặn sự suy vong của một đế chế trong những giai đoạn mà khí hậu trở nên bất ổn một cách nghiêm trọng. Angkor sở hữu những hệ thống giữ nước rất hiệu quả, song lợi thế về kỹ thuật không thể giúp người Khmer ngăn chặn sự sụp đổ của đế quốc trước tác động của những điều kiện môi trường khắc nghiệt”, Mary Beth Day, một thành viên nhóm nghiên cứu, nói.
Day nói thêm rằng hạn hán không phải là nguyên nhân duy nhất khiến đế quốc Khmer diệt vong.
“Sự sụp đổ của đại đô Angkor là kết quả của một quá trình phức tạp do nhiều nhân tố - xã hội, chính trị và môi trường – gây nên”, Day kết luận.
Ngày nay những phế tích của Angkor nằm gần thành phố Xiêm Riệp của Campuchia. UNESCO công nhận chúng là di sản thế giới.
Minh Long

Đế quốc Khmer bị diệt vong như thế nào?

Vnexpress-Biến đổi khí hậu có thể là nguyên nhân gián tiếp dẫn tới sự sụp đổ của vương quốc Khmer tại Campuchia cách đây gần 600 năm.

Đế quốc Khmer từng trải dài trên phần lớn lãnh thổ Đông Nam Á từ năm 801 tới năm 1400 trước khi biến mất đột ngột. Livescience khẳng định đây là một trong những nền văn minh vĩ đại nhất trong lịch sử loài người trước khi nó suy vong. Trong nhiều thập kỷ qua giới sử học đưa ra vô số lời giải thích về sự diệt vong của đế quốc Khmer. Một số chuyên gia cho rằng nguyên nhân là cuộc xung đột với các quốc gia khác, trong khi nhiều người khẳng định đế chế này bị tiêu diệt do đất đai thoái hóa.
Nhưng, theo Livescience, Brendan Buckley - một chuyên gia về khí hậu của Đại học Columbia, Mỹ đã tìm ra bằng chứng đáng tin cậy về việc đế quốc Khmer suy vong do thiếu nguồn nước dành cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt. Tình trạng đó khiến hệ thống thủy lợi quy mô lớn của Angkor - kinh đô của đế chế - tê liệt, trong khi hệ thống này rất quan trọng với nền kinh tế nông nghiệp. Thủ phạm gây nên tình trạng khan hiếm nước là hai đợt hạn hán nghiêm trọng do biến đổi khí hậu gây nên.
Buckley và các đồng nghiệp đã dựng lại bức tranh khí hậu trong khu vực xung quanh kinh đô Angkor của đế chế Khmer cổ bằng cách nghiên cứu những vòng tròn bên trong thân các cây bách tại một vườn quốc gia gần đó. Những vòng tròn cho thấy vương quốc này từng trải qua một đợt siêu hạn hán kéo dài tới ba thập kỷ - từ khoảng năm 1330 tới năm 1360. Sau đó đó vương quốc còn hứng chịu một đợt hán hán khắc nghiệt hơn nhưng ngắn hơn trong khoảng thời gian từ năm 1400 tới năm 1420. Buckley cho rằng hai đợt siêu hạn hán có thể khiến mùa màng thất bát và bệnh truyền nhiễm lan rộng – hai thảm họa đối với một đất nước có mật độ dân số lớn. Thế rồi tới năm 1431, vương quốc sụp đổ sau một cuộc tấn công của nước Xiêm (Thái Lan ngày nay).
“Vào thời đó kinh đô Angkor đối mặt với hàng loạt vấn đề xã hội, chính trị và văn hóa. Sự thay đổi lớn của môi trường đã đẩy người dân Khmer tới giới hạn cuối cùng trong khả năng chịu đựng và họ không thể thích nghi được với thay đổi ấy. Tôi không nói biến đổi khí hậu là nguyên nhân trực tiếp khiến nền văn minh Khmer cổ sụp đổ, nhưng chắc chắn một đợt hạn hán kéo dài tới 30 năm phải gây nên một tác động nào đó”, Buckley phát biểu.
Nhóm của Buckley cũng tìm thấy bằng chứng về những mùa mưa mạnh khiến hệ thống thủy lợi của kinh đô Angkor bị phá hủy. Trong mùa mưa bình thường, hệ thống thủy lợi khổng lồ - gồm kênh rạch, đê, hồ chứa nước – của Angkor có thể chịu được lượng mưa lớn. Nhưng sau một đợt siêu hạn hán kéo dài, hệ thống ấy có thể bị hủy hoại.
Các chuyên gia cho rằng El Niño, được tạo nên bởi sự ấm lên của dòng nước ấm ở phía đông Thái Bình Dương khiến một lượng hơi nước rất lớn bay vào không khí, cũng đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn những mùa mưa ở khu vực xung quanh Angkor khiến hạn hán kéo dài.
“Chúng ta cần nhớ rằng các nền văn minh vẫn có thể bị tổn thương trước biến động của khí hậu”, Kevin Anchukaitis, một thành viên trong nhóm nghiên cứu, phát biểu.
Nhiều nghiên cứu trước đây chứng tỏ rằng những thay đổi đột ngột về môi trường có thể đẩy các nền văn minh cổ tới tình trạng diệt vong. Nền văn minh của người Anasazi ở phía tây nam nước Mỹ, đế chế của người Maya ở Trung Mỹ và vương quốc Mesopotamia (phía tây nam châu Á ngày nay) của người Akkadian là những nền văn minh biến mất vì biến đổi khí hậu.
Minh Long