*** "Việt Nam tất nhiên là luôn khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như tính chính nghĩa của cuộc chiến giải phóng người dân Campuchia khỏi thảm họa diệt chủng Khmer Đỏ." - www.facebook.com/WarComissar***

23 tháng 8 2010

Nỗ lực tìm hướng đi mới

Ngày cập nhật: 27-07-2010
Một giờ học của học viên lớp Quản lý đất đai khóa 1 tại Trung tâm GDTX huyện Vị Thủy.
Mới đi vào hoạt động, tuy còn không ít khó khăn, nhưng với định hướng đào tạo phù hợp với nhu cầu, điều kiện thực tế của địa phương, Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật tỉnh Hậu Giang đang dần tạo được uy tín với học viên trong và ngoài tỉnh…

* Vượt khó…

Dù nguồn tuyển sinh dồi dào, nhưng trong năm học đầu tiên (2009), do còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực nên trường chỉ mở được 2 lớp cho hệ chính quy Quản lý đất đai ở huyện Vị Thủy và lớp Chế biến và bảo quản thủy sản ở huyện Châu Thành với khoảng 200 học viên. Với mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, chuyên nghiệp cho tỉnh, trường đã có sự chuẩn bị chu đáo, đáp ứng được các hoạt động dạy và học. Ngoài giáo viên, giảng viên cơ hữu, nhà trường đã thỉnh giảng các giáo viên, giảng viên đang công tác ở các trường đại học, cao đẳng, trung cấp trong và ngoài tỉnh. Còn về cơ sở vật chất, trường nhận được sự hỗ trợ từ trường THPT, trung tâm GDTX của các huyện, thị xã. Nhờ thế, các điều kiện vật chất tối thiểu như các phòng học lý thuyết, phòng thực hành, hội trường, thư viện... đều được đảm bảo tốt, đáp ứng được nhu cầu học tập, nghiên cứu của học viên.

Trong kỳ tuyển sinh năm 2010, ngoài tuyển sinh hệ trung cấp chính quy, nhà trường còn đa dạng hóa hình thức đào tạo, khi liên kết đào tạo trình độ đại học và liên thông từ trung cấp lên đại học với Trường Đại học Nha trang. Với đối tượng tuyển sinh khá rộng, đó là học sinh đã tốt nghiệp THPT hoặc bổ túc THPT, chưa tốt nghiệp THPT hoặc bổ túc THPT, học dở dang THPT hoặc bổ túc THPT và tốt nghiệp THCS hoặc tốt nghiệp bổ túc THCS... Chính điều này đã mở rộng đường cho những người không có điều kiện học lên cao hay dở dang trong việc học mà vẫn có thể tìm kiếm một nghề phù hợp.

* Tạo niềm tin từ cách thức đào tạo

Năm 2010, trường được Bộ Giáo dục & Đào tạo phân bổ thêm 200 chỉ tiêu đào tạo theo địa chỉ. Việc đào tạo theo hướng này đã tạo được sự tin tưởng với học viên cũng như các công ty có nhu cầu sử dụng lao động. Năm 2009, trường đã hợp đồng với Công ty TNHH Chế biến thủy sản Minh Phú Hậu Giang, đào tạo lực lượng lao động trung cấp chuyên nghiệp ngành Chế biến và bảo quản thủy sản, số lượng khoảng 300; ngành điện công nghiệp với số lượng khoảng 60 học viên và bồi dưỡng lực lượng lao động phổ thông ngành chế biến thủy sản với số lượng từ 2.000-3.000 lao động. Đây là cách làm không mới, nhưng với thực trạng lao động phổ thông như ở Hậu Giang thì với hướng đi này của trường sẽ đem lại nhiều hiệu quả trong việc góp phần nâng cao trình độ, tay nghề cho lao động ở địa phương. Học viên Nguyễn Văn Thông, lớp Chế biến và bảo quản thủy sản A, bày tỏ: “Nói thiệt là lúc đầu em sợ đi học trung cấp ra trường sẽ không kiếm được việc, mấy người bạn em đi học đại học, cao đẳng kiếm việc làm còn khó huống gì mình. Nhưng khi biết được trường có hình thức đào tạo theo địa chỉ thì em rất yên tâm theo học, vì đảm bảo được đầu ra, không sợ thất nghiệp...”.

Có thể nói, xu hướng đào tạo của trường có nhiều điểm nổi bật, có định hướng mang tính lâu dài, có tìm hiểu về nhu cầu thị trường lao động. Ông Đặng Đại Cuộc, Trưởng phòng Đào tạo nhà trường cho biết, kế hoạch mở rộng quy mô đào tạo của năm 2010 và những năm tiếp theo, sẽ được nhà trường xác định trên cơ sở nhu cầu về lực lượng lao động có tay nghề cũng như yêu cầu nâng cao trình độ dân trí của xã hội. Đảm bảo đến năm 2013, trường sẽ đáp ứng được hết các yêu cầu đào tạo nhân lực ở trình độ trung cấp, góp phần nâng cao chuyên môn cho người lao động, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các nhà đầu tư vào các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.

Bài, ảnh: HOÀNG NGUYÊN (Báo Hậu Giang)