*** "Việt Nam tất nhiên là luôn khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như tính chính nghĩa của cuộc chiến giải phóng người dân Campuchia khỏi thảm họa diệt chủng Khmer Đỏ." - www.facebook.com/WarComissar***

06 tháng 11 2019

50 câu tinh hoa trong Luận Ngữ


Luận Ngữ là một trong bốn tác phẩm kinh điển của Nho học Trung Hoa, thể hiện tư tưởng . Trải qua hơn 2000 năm truyền thừa, cho đến nay Luận Ngữ vẫn còn có ý nghĩa thiết thực, rất đáng để chúng ta suy ngẫm cảm ngộ.
Trình Y Xuyên, một nhà Nho đời nhà Tống từng nói: “Có người đọc xong Luận Ngữ mà không thấy gì cả, có người đọc xong lại thấy thích thú một vài câu, có người đọc xong thì rất thích thú đến độ múa tay múa chân mà không hay biết. Bởi vậy, khi đọc Luận Ngữ, phải đọc chậm rãi, suy nghĩ tường tận, càng suy nghĩ càng phát hiện được nhiều điều hay”.
Dưới đây là 50 câu tinh hoa trong Luận Ngữ, chỉ đọc một lần nhưng có thể thọ ích cả đời!
1. “Nhân vô viễn lự, ắt hữu cận ưu”
(Người không lo xa, ắt có buồn gần)
Người không suy nghĩ cho tương tai, ắt có ưu sầu ngay trước mặt.
2. “Trí giả nhạo thủy, nhân giả nhạo sơn”.
(Bậc trí yêu nước, người nhân yêu non)
Người thông minh trí tuệ yêu thích sông nước, người nhân đức yêu thích núi non.
3. “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân”
(Cái mình không muốn, chớ làm cho người)
Điều mà mình không muốn, thì cũng không được áp đặt lên người khác.
4. “Dữ bằng hữu giao, ngôn nhi hữu tín”
(Kết giao bằng hữu, nói lời giữ lời)
Kết giao bằng hữu, nhất định nói lời phải giữ lấy lời, giữ chữ tín.
5. “Quân tử hòa nhi bất đồng, tiểu nhân đồng nhi bất hòa”
(Quân tử hòa mục mà không a dua, tiểu nhân a dua mà không hòa mục)
Người quân tử đối nhân xử thế hòa mục mà không mù quáng phụ họa, kẻ tiểu nhân a dua, hùa theo thời thế mà không thể đối nhân xử thế hòa mục được.
6. “Tử tại xuyên thượng viết: Thệ giả như tư phù!”
(Khổng Tử đứng trên bờ sông nói: Thời gian trôi đi như nước sông này vậy!)
Thời gian trôi qua cũng giống như dòng nước sông này vậy! Ngày đêm không ngừng chảy.
7. “Như thiết như tha, như trác như ma”
(Tu thân như cắt gọt, như mài giũa)
Tu dưỡng hoàn thiện bản thân như điêu khắc ngọc vậy, cắt gọt, mài giũa, cần phải dành nhiều công phu.
8. “Đạo bất đồng, bất tương vi mưu”
(Đạo bất đồng, không thể cùng mưu sự)
Lập trường bất đồng, quan điểm bất đồng, thì không thể cùng nghị đàm, hoạch định mưu lược.
9. “Thi tam bách, nhất ngôn dĩ tế chi, viết: Tư vô tà”
(Kinh thi có 300 bài, một lời có thể khái quát hết, đó là: Suy nghĩ không tà)
305 bài thơ của Kinh thi, dùng một câu có thể khái quát toàn bộ nội dung của nó, đó là: Tư tưởng thuần khiết, không có những điều tà ác.
10. “Ngô thập hữu ngũ nhi chí ư học, tam thập nhi lập, tứ thập nhi bất hoặc, ngũ thập nhi tri thiên mệnh, lục thập nhi nhĩ thuận, thất thập nhi tòng tâm sở dục, bất du củ”
(Ta 15 tuổi lập chí ở học tập, 30 tuổi tạo lập được thành tựu, 40 tuổi không còn nghi hoặc, 50 tuổi biết được mệnh Trời, 60 tuổi nghe đều lọt tai, 70 tuổi làm theo lòng mình muốn mà không vượt khỏi quy củ)
Khổng Tử nói: Ta 15 tuổi lập chí vào học tập, 30 tuổi tạo dựng được thành tựu, 40 tuổi mọi sự không còn mê hoặc, 50 tuổi hiểu được quy luật tự nhiên, 60 tuổi có thể nghe lọt tai những ý kiến bất đồng, 70 tuổi tùy ý theo lòng mong muốn, muốn làm gì thì làm cái đó, cũng không vượt ra khỏi phép tắc quy củ.
11. “Ôn cố nhi tri tân, khả dĩ vi sư hĩ”
(Ôn cái cũ mà biết điều mới, thì có thể làm thầy được rồi)
Thường xuyên ôn tập những tri thức đã học, từ đó có thể thu được tri thức thâm sâu hơn, mới hơn, như vậy có thể làm thầy được rồi.
12. “Quân tử chu nhi bất tỉ, tiểu nhân tỉ nhi bất chu”
(Quân tử hòa hợp tất cả mà không cấu kết, tiểu nhân cấu kết mà không hòa hợp tất cả)
Bậc quân tử đoàn kết mọi người mà không cấu kết với nhau, kẻ tiểu nhân kéo bè kết phái mà không đoàn kết tất cả mọi người.
13. “Tri chi vi tri chi, bất chi vi bất tri, thị trí dã”
(Biết là biết, không biết là không biết, đó là trí tuệ vậy)
Biết thì nói là biết, không biết thì nói là không biết, đó mới là có trí tuệ vậy.
14. “Thị khả nhẫn dã, thục bất khả nhẫn dã”
(Cái đó mà nhẫn được thì còn cái gì không thể nhẫn được)
Khổng Tử nói về Quý Thị rằng: “Ông ta dùng lễ nghi múa vũ đạo của Thiên tử để múa trong sân nhà mình, việc như thế này có thể nhẫn chịu được, thì việc gì không thể nhẫn chịu được đây?
15. “Đạo thính nhi đồ thuyết, đức chi khí dã”
(Nghe chuyện ngoài đường rồi nói chuyện ngoài đường, là vứt bỏ cái đức vậy)
Nghe thấy tin đồn, không khảo chứng đúng sai, tùy tiện truyền tin đồn, chính là vứt bỏ đạo đức vậy.
16. “Triêu văn Đạo, tịch tử khả hỹ”
(Sáng nghe Đạo, tối chết cũng được rồi)
Buổi sáng minh bạch biết được chân lý, thì dẫu buổi tối chết, cũng không còn gì phải nuối tiếc.
17. “Tứ hải chi nội, giai huynh đệ dã”
(Trong bốn biển, đều là anh em)
Thiên hạ rộng lớn, đi đến đâu cũng có bằng hữu.
18. “Quân tử dụ ư nghĩa, tiểu nhân dụ ư lợi”
(Quân tử hiểu về nghĩa, tiểu nhân hiểu về lợi)
Quân tử hiểu đạo nghĩa, hành xử theo đạo, lấy nghĩa làm cơ sở đối nhân xử thế; tiểu nhân hiểu tư lợi, hành xử đều vì lợi, chỉ chăm lo vun vén lợi ích cho bản thân.
19. “Kiến hiền tư tề yên, kiến bất hiền nhi nội tự tỉnh dã”
(Thấy bậc hiền tài, suy nghĩ cách để mình cũng như họ, thấy người xấu kém thì tự hướng nội kiểm điểm mình)
Thấy người hiền, nên nghĩ đến cần phải học hỏi họ để giống như họ, thấy người xấu kém, nên tự phản tỉnh chính mình.
20. “Bần nhi vô oán nan, phú nhi vô kiêu dị”
(Nghèo mà không oán trách thì khó, giàu mà không kiêu căng thì dễ)
Nghèo khó mà không oán hận thì rất khó, giàu có mà không kiêu căng thì rất dễ.
21. “Đức bất cô, tất hữu lân”
(Có đức thì không cô độc, ắt có người gần gũi)
Người có đạo đức sẽ không cô lập, ắt sẽ có người thân thiết gần gũi.
22. “Hủ mộc bất khả điêu dã, phấn thổ chi tường bất khả hủ dã”
(Gỗ mục thì không thể điêu khắc, tường bằng phân và đất thì không thể mục)
Hình dung một người giống như khúc gỗ mục, không thể điêu khắc đẽo gọt được, lại giống như bức tường bằng phân rồi quét vôi lên, thường là người này không có hy vọng gì nữa.
23. “Thính kỳ ngôn nhi quan kỳ hành”
(Nghe họ nói mà xem họ làm)
Đánh giá một con người, cần xem họ nói, quan sát ngôn hành cử chỉ của họ, mới có thể biết được toàn diện.
24. “Mẫn nhi hiếu học, bất sỉ hạ vấn”
(Lanh lẹ mà hiếu học, không xấu hổ hỏi người thấp kém hơn)
Hình dung người thông minh nhanh nhẹn lại hiếu học, có thể học hỏi cả những người học vấn thấp hơn họ.
25. “Tam tư nhi hậu hành”
(Suy nghĩ 3 lần rồi mới hành động)
Gặp sự việc luôn luôn suy nghĩ 3 lần, sau đó mới hành động.
26. “Chất thắng văn tắc dã, văn thắng chất tắc sử. Văn chất bân bân, nhiên hậu quân tử”
(Chất phác nhiều hơn văn vẻ thì thô lậu, văn vẻ nhiều hơn chất phác thì giả dối. Văn vẻ và chất phác hoàn mỹ, sau đó mới có thể thành quân tử).
Một người mà cái chất phác nội tại quá nhiều so với cái văn vẻ bên ngoài thì sẽ thể hiện thô lậu, cái văn vẻ bên ngoài mà quá nhiều so với cái chất phác nội tại thì sẽ khoa trương giả dối. Chỉ có văn vẻ và chất phác phối hợp thích đáng, sau đó mới có thể trở thành người quân tử được.
27. “Tri chi giả bất như hiếu chi giả, hiếu chi giả bất như lạc chi giả”
(Người biết không bằng người thích, người thích không bằng người vui)
Đối với bất kỳ việc gì, người biết về nó không bằng người yêu thích nó, người yêu thích nó không bằng người coi việc thực hiện nó là niềm vui.
28. “Xảo ngôn lệnh sắc tiễn hỹ nhân”
(Lời nói khéo léo, sắc mặt cười lấy lòng, thì hiếm khi nhân đức)
Người nói năng khéo léo hoa mỹ, sắc mặt tươi cười lấy lòng, rất ít khi có lòng nhân ái.
29. “Mặc nhi thức chi, học nhi bất yếm, hối nhân bất quyện, hà hữu ư ngã tai”
(Cứ lặng lẽ mà biết, học mà không chán, dạy người không mệt mỏi, những cái này cái nào ta có đây?)
Lặng lẽ ghi nhớ tri thức, khi học tập không cảm thấy đã đủ, khi dạy dỗ không cảm thấy mệt mỏi. Ba phương diện này, ta đã làm được những cái nào?
30. “Bất nghĩa nhi phú thả quý, ư ngã như phù vân”
(Bất nghĩa mà giàu sang, đối với ta như phù vân)
Dùng thủ đoạn bất nghĩa mà có được phú quý, thì cũng giống như phù vân mà thôi.
31. “Tam nhân hành, tất hữu ngã sư yên; trạch kỳ thiện giả nhi tòng chi, kỳ bất thiện giả nhi cải chi”
(Trong 3 người cùng đi, ắt có người là thầy của mình; chọn cái tốt của người ta mà học theo, cái chưa tốt của người ta mà tự sửa mình)
Trong nhóm nhỏ, nhất định có người có thể làm thầy của mình. Chọn ưu điểm của họ mà học theo; còn khuyết điểm của họ, thì phản tỉnh bản thân, rồi tự sửa chữa.
32. “Quân tử thản đãng đãng, tiểu nhân trường thích thích”
(Người quân tử bình thản rộng mở, kẻ tiểu nhân lo lắng ưu sầu)
Người quân tử thì lòng dạ luôn bình thản và rộng mở, kẻ tiểu nhân luôn ưu sầu buồn lo.
33. “Sỹ bất khả dĩ bất hoằng nghị, nhậm trọng nhi đạo viễn”
(Kẻ sỹ không thể không chí lớn, kiên nghị, gánh vác trọng trách đi con đường dài)
Người có chí không thể không có tấm lòng rộng mở, ý chí kiên cường, vì họ phải gánh vác trọng trách đi trên con đường xa, lâu dài.
34. “Bất tại kỳ vị, bất mưu kỳ chính”
(Không ở vị trí đó thì không bàn về việc của vị trí đó)
Không ở trên vị trí đó, thì không được xem xét sự việc của vị trí đó.
35. “Bác học nhi đốc chí, thiết vấn nhị cận tư; nhân tại kỳ trung hỹ”
(Học rộng mà quyết chí, đặt câu hỏi và suy nghĩ, nhân đức ở trong đó vậy)
Học tập và nghiên cứu sâu rộng, kiên trì chí hướng, khẩn thiết đặt vấn đề và liên tưởng với thực tế suy nghĩ vấn đề, nhân đức là ở chính trong đó.
36. “Tam quân khả đoạt sư dã, thất phu bất khả đoạt chí dã”
(Ba quân có thể mất chủ soái, kẻ thất phu cũng không thể mất ý chí)
Ba quân có thể mất đi chủ soái, nhưng trai nam nhi không thể mất đi chí hướng được.
37. “Tuế hàn, nhiên hậu tri tùng bách chi hậu điêu dã”
(Năm giá lạnh mới biết tùng bách là loài tàn úa sau cùng)
Vào năm thời tiết giá lạnh nhất, thì mới biết cây tùng cây bách là những cây bị úa tàn sau cùng. Con người cũng như vậy, chỉ trong khó khăn thử thách mới nhận ra ai là người có bản lĩnh, ai là người có ý chí vững vàng.
38. “Quân tử thành nhân chi mỹ, bất thành nhân chi ác”
(Người quân tử tác thành cái tốt đẹp cho người, chứ không tác thành cái xấu cho người khác)
Người quân tử tác thành việc tốt cho người khác, không giúp người khác làm việc xấu. Kẻ tiểu nhân thì ngược lại.
39. “Sỹ chí ư Đạo, nhi sỉ ư ác y ác thực giả, vị túc dữ nghị dã”
(Kẻ sỹ lập chí học Đạo, mà lại xấu hổ vì y phục xấu, ăn đạm bạc, thì không đáng đàm đạo cùng)
Người lập chí truy cầu chân lý mà lại xấu hổ bởi ăn mặc xấu xí, ăn uống đạm bạc, thì không đáng kết giao đàm Đạo cùng.
40. “Vị nhân mưu nhi bất trung hồ? Dữ bằng giao nhi bất tín hồ? Truyền bất tập hồ?”
(Mưu việc cho người mà không trung thành sao? Kết giao với bằng hữu mà không tín sao? Truyền thụ mà không luyện tập sao?)
Làm việc cho người khác có làm hết sức hay không, kết giao với bằng hữu có chân thành hay không, dạy bảo người khác, bản thân mình có nghiên cứu luyện tập thật tốt hay không. Những điều này là ba việc hàng ngày đều phải phản tỉnh kiểm điểm lại bản thân.
41. “Kỳ thân chính, bất lệnh nhi hành; kỳ thân bất chính, tuy lệnh bất hành”
(Khi thân chính trực, không ra lệnh, mà mọi người đều thực hiện; Thân bất chính, dù có ra lệnh mọi người cũng không chấp hành)
Bản thân phẩm hạnh đoan chính, cho dù không ra mệnh lệnh, mọi người cũng tự giác thực hiện chấp hành. Bản thân phẩm hạnh không đoan chính, cho dù ra mệnh lệnh, mọi người cũng không phục tùng.
42. “Dục tốc tắc bất đạt; kiến tiểu lợi tắc đại sự bất thành”
(Muốn nhanh thì không đạt được; Nhìn cái lợi nhỏ thì việc lớn chẳng thành)
Không nên cầu nhanh chóng thành công, không nên tham cái lợi nhỏ. Muốn thành công nhanh chóng, trái lại sẽ không đạt được mục đích; tham cái lợi nhỏ, thì sẽ không làm nên việc lớn.
43. “Vãng giả bất khả gián, lai giả do khả truy”
(Cái đã qua không thể thay đổi được, cái sắp tới thì có thể)
Những việc đã qua không thể vãn hồi được, những việc sắp tới thì còn kịp sửa đổi.
44. “Dĩ ước thất chi giả tiễn hỹ”
(Người luôn ước thúc bản thân mà phạm lỗi thì rất hiếm)
Người thường xuyên ước thúc bản thân, thì rất hiếm khi phạm lỗi, rất hiếm khi mắc sai lầm.
45. “Học nhi thời tập chi, bất diệc duyệt hồ? Hữu bằng tự viễn phương lai, bất diệc lạc hồ? Nhân bất tri nhi bất uẩn, bất diệc quân tử hồ?”
(Học được, mà thường xuyên luyện tập, chẳng phải vui lắm sao? Có bằng hữu từ xa đến thăm, chẳng phải vui lắm sao? Người khác không hiểu mình mà không oán hận, chẳng phải quân tử đó sao?)
Học tập mà lại có thể không ngừng ôn tập, đó là việc rất đáng vui mừng, có bằng hữu từ phương xa đến thăm, đó là việc rất đáng vui mừng, người ta không hiểu mình, mà mình cũng không oán hận, đó chằng phải là bậc quân tử đó sao?
46. “Cổ chi học giả vị kỷ, kim chi học giả vị nhân”
(Người xưa học vì mình, người nay học vì người)
Người học thời cổ xưa là vì nâng cao bản thân, người học ngày nay là để khoe khoang, hiển thị để người khác thấy.
47. “Kiến lợi tư nghĩa, kiến nguy thụ mệnh”
(Thấy lợi thì suy nghĩ đạo nghĩa, thấy nguy nan thì dấn thân trao sinh mệnh)
Khi thấy lợi ích vật chất, thì suy nghĩ đến đạo nghĩa; khi thấy quốc gia lâm nguy, thì nguyện dấn thân phó xuất sinh mệnh. Đó mới là nhân vật lớn, là người đại nghĩa.
48. “Quân tử bất dĩ ngôn cử nhân, bất dĩ nhân phế ngôn”
(Người quân tử không tiến cử người chỉ dựa vào lời nói, cũng không phế bỏ lời nói chỉ bởi người có lỗi)
Người quân tử sẽ không căn cứ vào lời nói, ngôn luận mà tiến cử lựa chọn nhân tài. Cũng sẽ không vì một người nào đó có khuyết điểm, sai lầm mà phế bỏ, không tiếp thu lời nói, ngôn luận của họ.
49. “Xảo ngôn loạn đức. Tiểu bất nhẫn tắc loạn đai mưu”
(Nói năng hoa mỹ sẽ làm rối loạn đạo đức. Việc nhỏ không nhẫn nhịn sẽ làm hỏng mưu lớn)
Nói năng hoa mỹ khéo léo sẽ làm bại hoại đạo đức, việc nhỏ không nhẫn nhịn được, thì sẽ làm hỏng việc lớn.
50. “Bất hoạn nhân chi bất kỷ tri, hoạn bất tri nhân dã”
(Không lo người khác không hiểu mình, mà lo mình không hiểu người khác)
Không sợ người khác không hiểu mình, chỉ sợ mình không hiểu được người khác.

(Sưu tầm trên internet 06/11/2019)

08 tháng 10 2019

Nhận diện các tổ chức chống cộng của người Việt ở nước ngoài (Bài 2)

Nhận diện các tổ chức chống cộng của người Việt ở nước ngoài (Tiếp theo và hết) (*)

Bài 2: Lập “chính phủ” để lừa đảo và khủng bố

Thứ Sáu, 26/10/2018, 01:56:38
Đề cập hoạt động chống cộng của người Việt ở nước ngoài, phải nhắc tới sự ra đời các loại “chính phủ” chỉ tồn tại bằng thủ đoạn “buôn hận thù, bán hàng giả” nhằm lừa bịp, quyên góp tiền bạc, tuyên truyền luận điệu sai trái, tiến hành phá hoại, khủng bố. Đáng tiếc, vẫn có một số người ở trong nước lại a dua với trò dối trá, bạo lực này và có hành vi vi phạm pháp luật.
Ngày 25-7-2004, một số nhân vật được Nguyễn Hữu Chánh gắn cho nhãn hiệu “bộ trưởng, ủy viên cao cấp” của cái gọi “chính phủ Việt Nam tự do” đã tổ chức một cuộc mít-tinh tại thành phố Bueva Park (Bu-e-va Pắc) bang California (Ca-li-phoóc-ni-a), Mỹ. Tại đây, sau khi khẳng định bản chất xấu xa của Nguyễn Hữu Chánh song không lên tiếng vì lo bị trả thù, cũng chính các nhân vật nêu trên đồng thanh kết tội Nguyễn Hữu Chánh đã lừa bịp, chỉ đạo hoạt động khủng bố. Như Nguyễn Thanh Huy, người được Chánh cử làm “trợ lý hội đồng điều phối trung ương”, kể: “Phòng làm việc của Chánh có mấy cái điện thoại, hắn bảo tôi: một cái nối trực tiếp với Tổng thống Mỹ, cái khác nối với trung tâm CIA, còn cái này liên lạc với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ. Khi Chánh đi khỏi, tôi lén kiểm tra thì thấy một cái nối với chuông gọi cửa, một cái nối xuống bếp, một cái sang phòng của tôi”. Và Nguyễn Ngọc Chấn thì đặt câu hỏi: “Tôi thấy Chánh phong cho ông này đại tướng, ông kia trung tướng, ông nọ bộ trưởng,... đúng là trò hề! Các ông tham gia tổ chức của nó vì những cái lon ma đó phải không, hay vì lời hứa hão của nó về các khoản viện trợ hàng triệu, hàng tỷ đô-la?”!
Năm 1995, Nguyễn Hữu Chánh lập cái gọi là “chính phủ Việt Nam tự do” lấy “quốc kỳ là cờ vàng ba sọc đỏ, quốc ca là Tiếng gọi công dân” và tự xưng là “thủ tướng, Quang Trung tái thế”. Trước hoạt động liều lĩnh của Nguyễn Hữu Chánh như: tuyển mộ người Việt sống tại Cam-pu-chia lúc đó đưa sang Thái-lan huấn luyện và xâm nhập về nước, rải truyền đơn, đặt bom tại Đại sứ quán Việt Nam ở Phnom Penh (Phnôm Pênh), Bangkok (Băng-cốc), lên kế hoạch sử dụng thuốc nổ phá hoại một số điểm công cộng tại các thành phố lớn... chính quyền Việt Nam đã kiên quyết hành động để bảo đảm an ninh xã hội, trong đó xác định “chính phủ cách mạng Việt Nam tự do” là tổ chức khủng bố, phát lệnh truy nã Nguyễn Hữu Chánh. Và một số người theo ông ta tổ chức khủng bố đã bị xét xử, phải nhận án tù.
Đến năm 2008, Nguyễn Hữu Chánh tuyên bố giải tán “chính phủ” song không rõ sau đó “ba triệu thành viên, 17 nghìn kháng chiến quân” mà ông ta khoe khoang có số phận ra sao? Tuy nhiên, Nguyễn Hữu Chánh không phải là duy nhất, vì ngay tại Mỹ, sau mấy chục năm đã có các tổ chức như: “chính phủ Việt Nam cộng hòa (VNCH) lưu vong” với Nguyễn Thế Quang tự xưng “tổng thống”; “ủy ban lãnh đạo lâm thời VNCH” với “chủ tịch Nguyễn Ngọc Bích”; “chính phủ VNCH” của Nguyễn Bá Cẩn, Lý Tòng Bá, Nguyễn Văn Chức; “chính phủ quốc gia lâm thời” với Đào Minh Quân tự xưng “thủ tướng”, “chính phủ lâm thời VNCH” với Trần Dần tự xưng “quốc trưởng, nhà tiên tri vũ trụ, đệ nhất quốc sư Hoa Kỳ”.
Không những tổ chức nào cũng tự nhận “hậu duệ chân truyền của VNCH”, rồi bịp bợm về thực lực, uy tín để lường gạt... mà thi thoảng mấy thứ “chính phủ” này còn rùm beng ra chỉ thị, tuyên bố, đòi “thi hành Hiệp định Paris”, “khôi phục VNCH”, ra “quyết định bổ nhiệm tướng lĩnh, bộ trưởng”, và liên tục miệt thị lẫn nhau. Như vừa qua, Đào Minh Quân công bố lệnh bắt giữ “tổng thống Nguyễn Thế Quang”, “quốc trưởng Trần Dần”. Họ hành xử nhố nhăng tới mức một số kẻ chống cộng cũng phải ngán ngẩm, như tác giả bài viết “Chính phủ lưu vong và những trò hề kệch cỡm” đăng trên một trang mạng nổi tiếng chống cộng ở Pháp đã làm mấy câu thơ: “Con lạy các ngài chính phủ ôi - Diễn trò kệch cỡm cũng vừa thôi - Mang hia, đội mão y uông lắm - Chỉ tổ Mỹ chê, Việt cộng cười”!
Lập “chính phủ” để sau đó chết yểu, tồn tại lắt lay, lúc bản chất xấu xa bị nhận diện là vội vàng giải thể, nhưng vẫn có kẻ cố đấm ăn xôi, bất chấp lương tri, bất chấp lẽ phải, vu khống Đảng và Nhà nước Việt Nam “bán đất, bán biển”, nấp dưới chiêu bài “phục quốc, đấu tranh vì dân chủ, nhân quyền ở quốc nội” để chống phá. Trơ tráo, bỉ ổi nhất trong số này hiện nay có lẽ là “chính phủ quốc gia lâm thời” của Đào Minh Quân. Là trung úy của chế độ Sài Gòn trước đây, năm 1978, Đào Minh Quân vượt biên định cư ở Mỹ. Năm 1991, ông ta lập cái gọi là “chính phủ quốc gia lâm thời”, tự xưng “thủ tướng”, tự nhận là hiện thân của lời giải từ “sấm Trạng Trình”, bịa ra đủ thứ hội đồng, văn phòng, ban bệ để khuếch trương, lôi kéo, móc nối, phong cho người đi theo làm bộ trưởng, gắn hàm tướng tá, cho làm các loại “tư lệnh”!
Để lừa bịp, Đào Minh Quân khoe “chính phủ” của ông ta được “Mỹ và 28 nước EU công nhận”, song một bản tin trên CNN xác minh không có việc này. Lừa mị người trong nước, Đào Minh Quân vẽ ra câu chuyện hoang đường về việc tổ chức khủng bố của ông ta có quân đội, tên lửa Tomahawk (Tô-ma-hốc), máy bay F35, F22, cử ba sư đoàn về nước, thông báo “tuyển mộ binh lính”, phát hành tiền ảo, kiện ra tòa án quốc tế đòi bồi thường 36 nghìn tỷ USD, thông báo Đào Minh Quân sẽ về Việt Nam nhận “bàn giao chính quyền”. Về hành tung của Đào Minh Quân, trong video clip trên YouTube ngày 6-5-2018, NHHĐ - một người Mỹ gốc Việt chống cộng điên cuồng, tự nhận mất 12 năm tuổi trẻ “cho các chính trị gia salon lừa gạt chiến hữu, nói nhiều chẳng làm được bao nhiêu”, dành 100 phút vạch trần bản chất bịp bợm “tầm bậy tầm bạ” của Đào Minh Quân, chỉ rõ Đào Minh Quân đang diễn lại các trò hề Nguyễn Hữu Chánh từng diễn; kêu gọi “Đào Minh Quân dừng lại đi, làm như thế là xạo, đừng hù thiên hạ nữa. Đào Minh Quân ăn cơm ăn mỳ đi, đừng ăn thuốc nổ nữa”, và khuyến cáo người trong nước: “Đừng bao giờ tin Đào Minh Quân đem quân về Việt Nam...
Chính phủ Đào Minh Quân không hợp pháp ở Mỹ, mà chỉ là diễn tuồng”. Chứng kiến các trò hề này, đến Nguyễn Hữu Chánh cũng phải thốt lên: “Tôi sợ nhất là bị Việt cộng coi thường. Họ khinh bỉ chúng ta không giống con giáp nào hết, giống như cái tuồng cải lương ở ngoài này, vẽ vời lung tung thì đó là nỗi ô nhục. Nghe, theo dõi, suy nghĩ mà thấy đau lòng quá, xấu hổ quá”. “Xạo, diễn tuồng” - đó là ngôn từ phổ biến thường được chính những người trong cuộc sử dụng khi nhận xét, đánh giá về bản chất của mọi tổ chức, cá nhân chống cộng của người gốc Việt ở nước ngoài. Thực tế cho thấy tổ chức, cá nhân nào càng hô hào “đấu tranh vì dân chủ, nhân quyền” thì trình độ “xạo, diễn tuồng” càng cao. Đáng tiếc, trong nước lại có người tin theo họ và có hành vi vi phạm pháp luật, mà sự kiện Tòa án Nhân dân TP Hồ Chí Minh tổ chức phiên tòa xét xử một số bị cáo là thành viên tổ chức khủng bố của Đào Minh Quân là thí dụ.
Lịch sử đã khác trước, thời của những kẻ lừa bịp, dậm dọa để chống cộng đã qua. Từ nhận thức bản chất sự thật mà rất nhiều người gốc Việt thay đổi suy nghĩ, ân hận về việc đã làm, công khai chỉ đích danh những kẻ “buôn hận thù, bán hàng giả”. Như ông David Nguyễn (Đa-vít Nguyễn), một người chống cộng nổi tiếng, sau khi về thăm đất nước đã phát biểu: “Tôi nhận ra những gì tôi được thông tin, những gì tôi được biết và những việc làm của tôi là hoàn toàn không trung thực. Nhìn các em còn rất trẻ, chỉ cỡ tuổi con tuổi cháu tôi đã hy sinh tuổi trẻ, hy sinh tất cả để ra tuyến đầu, tôi rất bức xúc với chính mình. Một người như tôi đã không làm được như vậy mà còn chống lại, đã không đóng góp xây dựng đất nước mà còn làm trái ngược, tôi thực sự xấu hổ”. Hoặc vừa qua, tại cuộc họp mặt do Win Win Việt Nam tổ chức ở Bolsa (California - Mỹ), một số người Mỹ gốc Việt đã nói rất trực diện, cụ thể: “Khi các chiến sĩ mang thân mình giữ từng tấc đất của Tổ quốc thì họ ngồi bên này xuyên tạc, nói xấu các chiến sĩ, họ làm cho tôi thấy bỉ ổi...
Cả một dân tộc đang bảo vệ biển đảo mà cứ nói “bán biển, đảo” thì đó là sự bỉ ổi không thể chấp nhận”. Hay: “Việt Nam xây dựng thành công để bước vào con đường thịnh vượng, đó là thực tế khách quan mà mọi người đều thấy. Thành công ấy có từ ba nguyên nhân: thứ nhất, 43 năm đất nước đã có hòa bình, thống nhất, Nhà nước, nhân dân và quân đội đã bảo vệ nền hòa bình, thống nhất đó; thứ hai, nhân dân rất nỗ lực xây dựng đất nước từ hoang tàn, đổ nát để đất nước phát triển; thứ ba, chính phủ Việt Nam đã vạch đường lối đúng đắn và đi đúng đường lối để xây dựng đất nước thành công. Đồng bào hải ngoại cần nhìn vào thành công của đất nước để tri ân đồng bào trong nước, tri ân chính phủ, sự lãnh đạo sáng suốt của đảng cầm quyền đã hoạch định để có nước Việt Nam đẹp đẽ. Đồng bào hải ngoại về thăm đất nước là thừa hưởng thành quả nhân dân Việt Nam xây dựng được. Chúc đất nước thành công hơn nữa, đúng như lời của Cụ Hồ “thành công, thành công, đại thành công”...”.
Thực tế đó càng khẳng định, không tổ chức hay cá nhân nào có thể mãi che lấp, ngăn cản nhận thức đúng đắn, công khai của người Việt Nam ở nước ngoài. Đó là xu thế tất yếu không thể ngăn cản, và chắc chắn “phong trào” chống cộng sẽ tới ngày diệt vong.
----------------------
(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 23-10-2018.

HỒNG QUANG

Nhận diện các tổ chức chống cộng của người Việt ở nước ngoài (Bài 1)

Nhận diện các tổ chức chống cộng của người Việt ở nước ngoài

Bài 1: Mặt thật "chống cộng" 

Thứ Ba, 23/10/2018, 02:24:16
Hơn 40 năm sau ngày phải bỏ xứ ra đi, sống đời lưu vong vất vưởng ở nơi đất khách quê người, một số kẻ chống cộng cực đoan vốn là tàn dư của một chế độ bán nước hại dân vẫn không tỉnh ngộ để chấp nhận kết thúc bẽ bàng của số phận, vẫn nuôi ảo vọng về ngày "phục quốc". Từ đó, một số tổ chức chống cộng nối nhau ra đời chỉ nhằm mục đích duy nhất là chống phá đất nước và dọa dẫm, lừa gạt, kiếm chác tiền bạc…
Chiến tranh ở Việt Nam kết thúc đã hơn 40 năm, song hình ảnh súng ống, phương tiện chiến tranh, quân phục, mũ sắt vứt đầy đường, đoàn quân bại trận áo quần tả tơi tháo chạy hỗn loạn và những chiếc máy bay lên thẳng bị hất từ tàu sân bay xuống biển,... vẫn lưu giữ trong rất nhiều tài liệu, phim ảnh và internet (in-tơ-nét). Ðó không chỉ là hình ảnh về một cuộc chiến tranh, quan trọng hơn là cho thấy thất bại thảm hại của một chế độ, một đội quân do nước ngoài dựng lên, mấy chục năm cam tâm bán nước, hại dân. Và sau ngày bỏ nước ra đi, phần lớn nhân viên, binh lính thuộc chế độ Sài Gòn trước đây đã chấp nhận đời tha hương, trở thành công dân của quốc gia khác, chuyên chú mưu sinh. Tuy nhiên, một số người không chịu thừa nhận thất bại, vẫn luyến tiếc cuộc sống được nước ngoài bao bọc, vẫn cay cú, vẫn cố tìm mọi cách thực hiện giấc mơ hão huyền về ngày "phục quốc".
Ðể đạt mục đích xấu xa, họ tiến hành rất nhiều thủ đoạn, từ sử dụng lá phiếu cử tri buộc một số vị dân biểu nơi họ cư trú lên tiếng vu cáo, gây sức ép với Việt Nam, lập vô số hội đoàn chống cộng,... tới tổ chức chống phá, dọa nạt, ngăn trở sinh nhai của người gốc Việt có cảm tình với đất nước, thậm chí ám sát người đã dũng cảm vạch trần bản chất của họ; kích động, cổ vũ, cung cấp tiền bạc, bênh vực, o bế một số người vi phạm pháp luật ở Việt Nam; lập ra nhiều trang mạng, facebook, diễn đàn trên internet chỉ để chửi bới, xuyên tạc, phao tin đồn nhảm, bóp méo sự thật, kiện tụng vô bổ, gieo rắc luận điệu sai trái đi ngược xu hướng phát triển văn hóa, văn minh...
Như tổng kết trong video clip có nhan đề "Những cương thi VNCH (Việt Nam cộng hòa) sau 43 năm chưa được gỡ bùa hóa giải" công bố trên YouTube thì "các tổ chức chống cộng ngày càng mọc lên như nấm" và dù "không tổ quốc, không tổ chức, không danh dự, không súng ống, không công nhận, không quân đội, không lương tâm, không trách nhiệm, không liêm sỉ, không hề biết xấu hổ biết nhục là gì" thì họ vẫn "chưa buông bỏ những cái lợi cá nhân. Hơn 40 năm, họ chưa bao giờ sống có tổ chức hay có cá nhân nào đàng hoàng, mà nhốn nha nhốn nháo như cái chợ. Họ lập ra nhiều chính phủ, ai cũng muốn làm tổng thống đệ tam, ai cũng muốn làm tướng làm tá chẳng có ai muốn làm dân đen".
Tổng kết này là có cơ sở, bởi những năm qua, chí ít trên đất Mỹ đã xuất hiện nhiều loại "chính phủ", nhiều thứ tổ chức kỳ quái như "triều đại Việt", "lực lượng dân tộc cứu nguy tổ quốc", "tập hợp dân chủ đa nguyên", "mặt trận dân tộc cứu nguy Việt Nam"... Ðiểm chung của mấy tổ chức này là đều nấp dưới "cờ vàng", đều giơ khẩu hiệu "đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam", và do luôn cạnh tranh sống mái cho nên họ không ngần ngại công khai nói xấu, mạt sát, miệt thị lẫn nhau. Vì thế, ngay cả kẻ cùng hội cùng thuyền với họ cũng phải than thở não nề về một tương lai vô vọng, như Xuân Khuê viết trong bài "Thế hệ già hải ngoại nên nhìn lại" đã đăng trên trang "khóa 8B+C/72 trường bộ binh Thủ Ðức" rằng: "Rõ ràng có một trở ngại rất lớn cho cộng đồng người Việt hải ngoại là sự đánh phá nhau càng lúc càng ác liệt hơn... Chúng ta càng làm chuyện chính trị càng mất đoàn kết. Chuyện cá nhân và địa phương càng lúc càng lớn, càng tốn nhiều thì giờ và mối nguy nhất là lòng tin của đồng hương càng ngày càng giảm, sự chán nản của mọi người càng lúc càng tăng… Không ai nghe ai, không ai phục ai. Hội chứng lạm phát hội đoàn càng lúc càng nhiều; mà càng nhiều hội đoàn thì sự kết hợp đồng tâm càng lúc càng phai nhạt dần theo ngày tháng. Từ đó đi đến một sự thực là đánh phá lẫn nhau - chia năm xẻ bảy,... Thêm một hội chứng là làm vua, thực tài lãnh đạo chưa có và chưa đủ khả dĩ để mọc thêm hội đoàn tổ chức - đưa đến tình trạng tham quyền cố vị, tham danh cố vấn càng lúc càng nhiều".
Người gốc Việt ở nước ngoài giữ vai trò nòng cốt trong các tổ chức, hoạt động chống cộng chủ yếu là thành viên của cái gọi "quân lực VNCH" trước đây. Theo thời gian, số người này ngày càng già nua nhưng sự hung hăng thì sau mấy chục năm vẫn không hề thuyên giảm. Qua internet, hằng ngày họ ra rả kêu gào "phục quốc", tự huyễn hoặc về "quân lực VNCH oai hùng", tự tô vẽ thứ phẩm chất mà nếu có, họ đã không phải bỏ chạy tháo thân, không phải sống ngày tàn ở nơi xứ người. Tới "kỷ niệm" nào đó của "mồ ma VNCH", họ lại khoác quần áo rằn ri của đội quân thất trận, vung vẩy "cờ vàng" của một chính quyền đã biến mất trên bản đồ chính trị thế giới gần nửa thế kỷ, tụ tập ôn "chiến tích", vừa kêu gào về ngày "quốc hận" vừa chĩa súng gỗ về cố quốc dậm dọa, phát động các loại trò vè chống phá Việt Nam.
Nhiều năm qua, màn diễn bi hài của họ đã trở thành đề tài đàm tiếu của người Việt Nam ở nước ngoài, vì bà con gọi đó là "đội quân của các ông già hơn 70 tuổi", "đội quân chỉ giảm, không tăng", "đội quân của các cụ khí đá" vì mỗi khi ra đường họ phải mang theo bình khí thở. Tuy nhiên, sự hung hăng của số người này lại là chỗ dựa cho một số kẻ đeo bám ăn theo, lập ra đủ thứ tổ chức nhằm lừa gạt, ép buộc người gốc Việt đóng góp tiền bạc để giúp họ "cứu quốc", nhân danh "dân chủ, nhân quyền" để một mặt chống phá Việt Nam, một mặt kiếm chác tài trợ. Nổi lên trong số này có Ðỗ Hoàng Ðiềm, Hoàng Cơ Ðịnh, Lý Thái Hùng, Trịnh Hội, Ðỗ Phủ, Trúc Hồ, Nguyễn Ðình Thắng, Võ Văn Ái, Nguyễn Hữu Chánh, Ðào Minh Quân... Cho nên, mỗi khi tổ chức khủng bố "Việt tân", "chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời" hoặc băng đảng chống cộng nào đó có hoạt động cộng đồng đều có mặt những "ông già khí đá" mặc các sắc áo "không quân, hải quân, thủy quân lục chiến, biệt động, lính dù..." cũ kỹ, già nua song vẫn cố lên gân, sát khí đằng đằng, từ năm này đến năm khác vừa vung nắm đấm vừa thều thào hô "next year Viet Nam" (năm tới trở về Việt Nam). Nhằm thỏa mãn đòi hỏi của mấy kẻ chống cộng thâm căn cố đế, đồng thời kiếm thêm cơ hội để trục lợi, thi thoảng các tổ chức chống cộng do số người nêu trên cầm đầu lại có mấy việc làm vô bổ và bất nhẫn, như: tổ chức điều trần, công bố "lời kêu gọi", "kháng thư", "thỉnh nguyện thư", đòi coi dân chủ, nhân quyền là tiêu chí của quan hệ kinh tế, đòi tẩy chay hàng hóa và cấm vận Việt Nam, đòi đưa Việt Nam trở lại danh sách quốc gia cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo...
Đề cập tới hoạt động chống cộng của một số người Việt ở nước ngoài, cần nhắc đến sự phụ họa, đồng lõa của một số dân biểu ở nước sở tại. Mẫu số chung của các dân biểu này là họ được bầu ra ở các khu vực bầu cử có nhiều người gốc Việt sinh sống. Vì quyền lợi ích kỷ của mình, họ thường nương theo ý muốn của cử tri, cử tri giương khẩu hiệu "đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam", họ cũng "đấu tranh" theo. Nấp sau chiêu bài dân chủ, nhân quyền, họ sử dụng danh nghĩa dân biểu để can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam, và chiều ý cử tri, vài tháng họ lại nghĩ ra dự luật gì đó trình nghị viện bất luận khả năng được thông qua hay không, hay khi có cơ hội đến Việt Nam, họ phải cố gặp bằng được mấy "nhà đấu tranh nhân quyền"...
Song thật oái oăm, sau khi trở thành cựu dân biểu, "tinh thần đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam" của các vị này cũng dần kết thúc, mà các cựu dân biểu Cao Quang Ánh, L.Sanchez (L.Xan-chét),… ở Mỹ có thể coi là trường hợp điển hình. Như L.Sanchez, gần 20 năm là dân biểu, vị này được coi là "đồng minh trên chiến tuyến chống cộng đấu tranh cho dân chủ nhân quyền tại Việt Nam", và bản thân cũng tự nhận là "con gái của cộng đồng Việt Nam". Nhưng sau khi thất bại trong bầu cử Thượng nghị sĩ Liên bang năm 2016 thì "tinh thần đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam" của L.Sanchez cũng suy giảm, không còn lên tiếng yêu cầu hoặc ký tên vào các loại đơn từ phản đối Việt Nam. Nhiều người hiểu rõ chuyện đã không khỏi cười thương hại khi chứng kiến cảnh nhóm người chống cộng hả hê hoặc làm rùm beng việc "tiếng nói" của mình được lắng nghe và tôn trọng mà không hề biết chính mình mới là kẻ bị lợi dụng. Thực tế, số người nêu trên chẳng qua vì lợi ích chính trị của chính bản thân mà đã hùa theo ý muốn tiêu cực của họ.
Bất chấp hoàn cảnh lịch sử và thời cuộc đã thay đổi, những kẻ chống cộng vẫn cố tình tảng lờ sự phát triển vượt bậc của quê hương, không có liêm sỉ để thừa nhận vị thế của đất nước nơi họ sinh ra nay đã ở một tầm cao mới. Vì thế, trong bối cảnh Nhà nước và nhân dân Việt Nam đang nỗ lực bảo vệ chủ quyền đất nước, phấn đấu vì mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh", phải khẳng định rằng trên thế giới này, không tổ chức, cá nhân nào có tư cách đòi hỏi Việt Nam phải theo ý muốn của họ. Về vấn đề có tính nguyên tắc đó, ông Peter Nguyễn (Pi-tơ Nguyễn), người từng là thành viên lực lượng tình báo thuộc chế độ Sài Gòn trước đây nay định cư tại Mỹ, đã phát biểu: "Không có đóng góp thì không có quyền đòi hỏi, người Mỹ gốc Việt còn tình cảm với quê hương song không có quyền đòi hỏi bất cứ điều gì ở Việt Nam, vì họ không dính líu với Việt Nam, không có đóng góp gì cho Việt Nam… Tất cả thời gian, năng lực, tình cảm đều dồn trên đất nước mình sinh sống, vui ở đây, buồn cũng ở đây, đói ở đây, khỏe cũng ở đây, yếu ở đây, sống cũng ở đây, chết cũng chôn ở đây, nên phần dành cho Việt Nam không nhiều. Nếu nghĩ đến Việt Nam hãy nghĩ bằng tình thương, nếu nói đến Việt Nam hãy nói bằng lời kính trọng, nếu muốn làm cho Việt Nam, hãy làm bằng hành động tử tế".
(Còn nữa)
HỒNG QUANG