*** "Việt Nam tất nhiên là luôn khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như tính chính nghĩa của cuộc chiến giải phóng người dân Campuchia khỏi thảm họa diệt chủng Khmer Đỏ." - www.facebook.com/WarComissar***

29 tháng 12 2015

Huyền thoại “thần kê”

Kỳ 2: Huyền thoại “thần kê” và cuộc săn lùng của tướng Kỳ

Không chỉ trong giới đá gà ở miền Tây mà cả bên Campuchia từng đồn thổi về một huyền thoại “thần kê” - một con gà bách chiến bách thắng, cho tới chết chưa từng đá thua trận lần nào. Người ta tin rằng, sau khi chết đi, “gà thần” để lại nhiều “hậu duệ” ở vùng Đồng Tháp, Bến Tre, Hậu Giang… Là một người mê đá gà, tướng Nguyễn Cao Kỳ và các “cố vấn” đã dày công săn tìm “hậu duệ” của “thần kê”.
Huyền thoại thần kê
Cũng giống như dân Việt, người dân nước bạn Campuchia từ xa xưa cũng có thú chọi gà, đặc thù là loại gà Tà-Lóc, không có cựa, chỉ đá bằng đôi chân, gọi là gà Ðòn. Gà này cũng đá rất hăng, nên được Việt kiều Campuchia nuôi để đá chơi trong ba ngày Tết Nguyên đán cho đỡ nhớ nhà, chứ không ăn tiền. Mãi tới khi có một số về thăm quê, mua gà nòi đem lên nuôi và mở trường gà lớn Stung Meng Chây, cách thủ đô Phnom Penh 10km, mới bắt đầu có chuyện ăn thua bằng tiền bạc. Và chính việc “đá gà ăn tiền” trên đất Campuchia đã để lại huyền thoại “thần kê” lưu danh hậu thế.
Các “cố vấn” gà nòi của tướng Kỳ đều thuộc lòng một câu chuyện có thật: Vào cuối thập niên 1930, bỗng nổi lên một Việt kiều nuôi gà nòi nổi tiếng, tên là Lâm Minh Sến, ở xã Vĩnh Lợi Tường, quận Peamchor, tỉnh Prey Veng (Lào), giáp ranh với xã Thường Phước, quận Hồng Ngự, tỉnh Kiến Phong (nay là Đồng Tháp). Vào khoảng năm 1938, một lần đi xem đá gà trong xóm, thấy có con gà trống thật oai phong, ông Lâm Minh Sến bỏ ra số tiền lớn mua về gây giống. Ông chọn con gà mái “ngon lành” nhất bầy để nhân giống với con gà này. Vài tháng sau, lứa gà đầu tiên giữa cặp “tiên đồng ngọc nữ” này nở được 14 con với màu sắc khác nhau.
Trong số này, có một con rất đặc biệt và dị dạng - lông đen tuyền, không có đuôi. Sến rất thích, đặt tên là Ô Truy, theo điển tích nói về con ngựa hay của Hạng Võ. Cùng một bầy, nhưng con gà đen cụt đuôi rất khác lạ, không chịu ngủ dưới đất mà chỉ ngủ trên cây, tính cô độc, không chơi với ai. Thân hình thì dị dạng, tròn trịa như trái banh và rất ít gáy. Một hôm, có người tên Xả Cập, cũng người làng Vĩnh Lợi Tường, tới thăm nhà ông Sến để coi con Ô Truy. Vốn là tay nuôi gà sành sỏi nên Xã Cập chỉ một lần quan sát gà đã khám phá ra một cái bớt đen nằm giữa cái lưỡi màu hồng lợt của nó. Ngoài ra, gà còn có một cái lông voi, mọc ở giữa cánh; đồng thời còn có thêm một cái vẩy nhỏ, mọc trong kẹt ngón chân giữa - dân chuyên nghiệp gọi là vảy “yểm long”. Theo “kinh kê” (quyển sách về gà nòi của vị tướng triều Nguyễn là Lê Văn Duyệt), đây là một con Thần Kê, loại gà một trăm năm mới xuất hiện một con.
Khi tới tuổi “chinh chiến”, con Ô Truy đụng độ với con “gà điều” hay nổi tiếng trong vùng. Phe bên kia khinh thường ra mặt, họ tưởng ông Sến khờ nên cá độ rất lớn. Vừa xuất trận, chỉ thấy “cục thịt” màu đen co chân nhảy lên đá nghe cái “rẹt” đã thấy con gà điều giãy giụa rồi chết tốt. Thì ra con Ô Truy đã đâm cựa ngay vào cuống họng đối thủ. Từ đó, tiếng tăm Ô Truy vang dội khắp vùng.
Một tay chơi ở miền Nam có con gà xám đá rất hay, nghe nói bên Campuchia có “thần kê”, quyết đem “chiến kê” của mình sang tranh tài cao thấp. Tay chơi này là một cự phú đất Cần Thơ nên đã đem rất nhiều bạc vàng sang thách đấu. Ngoài ra, còn có đám đàn em cũng là những tay chơi khét tiếng ôm tiền sang “ăn theo”. Nhìn thấy bộ dạng của Ô Truy, các tay chơi cự phú ôm bụng cười nghiêng ngả, bởi theo họ, con gà này đạp mái còn không nên thân thì kể gì tới chuyện đấm đá.
Xung trận, cả hai đối thủ gườm nhau rất lâu để thăm dò. Đã thắng nhiều trận nên con gà xám tung chân đá thế liên hoàn. Con Ô Truy cũng tung mình nghênh chiến. Cả hai con gà đá tung bụi mù mịt trong khoảng 2 phút nhưng hầu như không con nào dính đòn của nhau vì các cú ra đòn đều bị đối phương hóa giải. Bỗng dưng, con Ô Truy lùi 3 - 4 bước, gà xám thấy thắng thế lao lên. Ngay lập tức, con Ô Truy phóng vút lên và đá nghe “bịch” một tiếng. Chỉ thấy con gà xám nằm giãy chết, hai mắt lòi ra ngoài vì bị con Ô Truy tung cựa đâm vỡ đầu. Thua sạch tiền nhưng thương con gà nên tay chơi và đám đàn em đem gà về nước chôn cất.
Bấy giờ ở Nam Vang (Phnom Penh) có vị hoàng thân nuôi được một chiến kê rất dũng mãnh đặt tên Krongpha. Con gà này đá toàn thắng nên được coi là “thần kê hoàng gia”. Nghe tin con Ô Truy dị tướng nhưng đá hay, vị hoàng thân đã đích thân ôm gà về vùng biên giới so tài cao thấp. Chưa đầy một hiệp, “thần kê hoàng gia” đã co giò chạy vì không chịu nổi những cú ra đòn quỷ khốc thần sầu của đối thủ. Vị hoàng thân đã bỏ ra rất nhiều tiền để nhận cái gật đầu đồng ý bán gà của ông Lâm Minh Sến.
Về hoàng cung, Ô Truy tiếp tục làm mưa làm gió một thời gian dài và chưa thua bất kỳ một đối thủ nào. Khoảng năm 1939, nhận lời mời giao đấu tại một hội chợ ở Manila (Philippines), vị hoàng thân đã ôm gà theo tàu thủy vượt biển du đấu. Nhưng khi tàu ra giữa biển thì gặp bão lớn. Dù là “thần kê” nhưng ra giữa biển cũng chỉ là chú gia cầm nhỏ bé, con Ô Truy không chịu nổi sóng gió nên chết trên tàu và được ông chủ tổ chức “thủy táng” ngay trên biển rồi quay tàu về nước.
Tướng Kỳ săn lùng hậu duệ của “thần kê”
Giai thoại “thần kê” cũng kể rằng, vì là “gà thần” nên con Ô Truy không được thoải mái “quan hệ” với gà mái như những con gà nòi thường khác. Cả cuộc đời, con Ô Truy chỉ được làm cái việc duy trì nòi giống có 3 lần. Đó là duyên cớ để dân chơi gà sau này truy tìm hậu duệ của Ô Truy. Vào giai đoạn 1950 - 1970, vùng Đồng Tháp đã sản sinh ra những chiến kê dũng mãnh, người ta tin rằng đó là hậu duệ của thần kê Ô Truy. Hơn ai hết, tướng Kỳ rất quan tâm đến việc tìm hậu duệ của “gà thần”. Về làm chủ sân bay Tân Sơn Nhất (Tư lệnh không quân), rồi thành Thủ tướng chế độ Sài Gòn, tướng Kỳ vẫn dành thời gian săn tìm hậu duệ của thần kê. Tất nhiên, các “cố vấn” gà nòi của tướng Kỳ cũng dày công về vùng Đồng Tháp lùng sục khắp nơi mong tìm được giống gà quý dâng lên chủ tướng.
Biết tướng Kỳ săn tìm thần kê, các sĩ quan muốn thăng quan tiến chức cho nhanh cũng đổ xô đi tìm thần kê để “hối lộ”. Họ tìm từ Cao Lãnh (Đồng Tháp) qua Chương Mỹ (Hậu Giang) rồi vòng về Chợ Lách (Bến Tre) để kiếm cho được những con gà kỳ hình dị tướng mà họ tin rằng con Ô Truy đã để lại sau 3 lần “truy hoan”. Trại huấn luyện gà của tướng Kỳ trong khu vực sân bay Tân Sơn Nhất ngày càng đông đúc các loại gà đá được săn tìm từ miền Tây đưa về.
Các “quân sư” gà đá của tướng Kỳ chia gà theo 3 màu lông phổ biến: Ô, tía, xám. Gà màu ô phải là ô ướt hoặc ô toàn sắc; gà tía phải là tía mật ngả màu đen; gà xám phải là xám khô, vì vậy dân gian mới có câu rằng: "Nhứt điều ô, nhì xám khô, ba ô ướt". Trong trại gà khi ấy chỉ có vài con tía ngũ sắc (năm màu lông) chân trắng, đá đâu thắng đó, người ta tin rằng đó đích thực là hậu duệ của thần kê Ô Truy. Các “thầy gà” của tướng Kỳ còn phân loại gà theo loại vảy: Tứ trụ, liên chu, liên giáp nội, đại giáp, tam tài, trường thành, huỳnh kiều, xuyên thành giáp, chân lông vảy loạn, án thiên đệ nhất, án địa (địa phủ), giao long (hai hàng trơn), lục đinh (3 cựa mỗi chân), nếu lục đinh có 2 cựa rung rinh lại càng là gà quý; đặc biệt gà có vảy "đệ nhất thần đao" (linh giáp tử) được gọi là linh kê...
Có một số đặc điểm đặc biệt của gà mà chỉ có tướng Kỳ và các “quân sư” thân cận mới biết, không để lộ ra bên ngoài, đó là: Gà có vảy "yểm long", vảy này rất nhỏ, nằm núp dưới một vảy của ngón chân nội hoặc ngoại, gà có vảy "yểm long" là gà chiến, có nhiều đòn hiểm; gà có bớt lưỡi (bớt son tốt hơn bớt đen), cũng là gà quý. Những đặc điểm này, các “thầy gà” của tướng Kỳ đúc kết từ sách và từ thực tế con Ô Truy bách chiến bách thắng của ông Lâm Minh Sến đã kể ở trên. Đối với gà dị hình, dị tướng có 5 loại mà các “thầy gà” lùng mua cho bằng được để đem về trường gà của tướng Nguyễn Cao Kỳ.
Thứ nhất là gà “tử mị”. Loại gà này khi ngủ thì nằm ngay đơ, sảy cánh và xuôi giò; cũng là tử mị nhưng có loại khác khi ngủ thì đôi giò móc lên cây như dơi(!). Thứ hai là gà qui, hình dạng giống như con rùa. Khi nằm, nó giấu chân đi, co đầu lại, thụt đuôi vào, thân như con rùa, chỉ khác một điều là được phủ thêm lớp lông mượt. Thứ ba là gà độc nhãn, độc dao. Lúc mới sinh ra, chỉ có một mắt một cựa. Những con gà loại này thật là hung ác dữ tợn, không bao giờ nao núng trước địch thủ. Đã chọi nhau thì đến chết cũng không chạy. Thứ tư là giống gà mắt ếch mắt mèo. Mắt rất tinh, tránh đòn rất tài và tra đòn rất đúng. Loại gà này rất gan lỳ. Loại dị tướng thứ năm là gà tam nhĩ. Gà có 3 lỗ tai, ở bên trái hoặc bên phải, ngoài lỗ tai thường, còn có một lỗ tai nhỏ. Lỗ tai này thường bị lông phủ kín, người lựa gà phải để ý, vạch lông ra mới thấy được.
Khi nhìn một con gà, các “cố vấn” thường chú ý ngay đến sắc lông, tướng mạo, dáng đi, tiếng gáy... của nó. Nhiều con gà, đối với những con mắt người thường, chỉ là những con gà bỏ đi. Nhưng đến tay tướng Kỳ và các quân sư thì lại là một con gà có quý tướng. Thông thường, các cố vấn đi săn lùng gà chiến, nhưng cũng có những “ca khó” (chủ gà không chịu bán), đích thân tướng Kỳ phải lái máy bay đi mua hoặc đi đá ở vùng quê xa.

Không có nhận xét nào: