*** "Việt Nam tất nhiên là luôn khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như tính chính nghĩa của cuộc chiến giải phóng người dân Campuchia khỏi thảm họa diệt chủng Khmer Đỏ." - www.facebook.com/WarComissar***

29 tháng 12 2015

Cuộc chiến trên sới gà

Cuộc chiến trên sới gà - một thế giới khác của tướng Nguyễn Cao Kỳ

Tướng Nguyễn Cao Kỳ được biết đến như một người phóng túng, ngang tàng, tài hoa… Ông cũng là người có thú chơi lạ đời, đó là rất mê đá gà. Có rất nhiều giai thoại về máu mê đá gà của tướng Kỳ, nào là ông kỳ công nghiên cứu về gà đá cũng như những bậc tiền nhân có cùng sở thích đá gà; nào là ông dày công đi tìm “thần kê” theo truyền thuyết; ông có cả một ban “cố vấn” chuyên chăm lo chuyện đá gà; khi thắng độ gà, ông thường tặng hết cho đàn em, còn thua thì ông chung tiền sòng phẳng…
Kỳ 1: Tướng Kỳ dày công nghiên cứu lịch sử môn đá gà 
Trước ông Kỳ, ở miền Nam hầu như chưa có ai nghiên cứu một cách bài bản lịch sử môn đá gà từ cổ chí kim. Mê môn đá gà, ông Kỳ chỉ đạo các “cố vấn” có chút kiến thức lịch sử tìm hiểu, hệ thống lịch sử môn đá gà, làm cho thú chơi chọi gà của ông thêm ý nghĩa.
Người xưa cũng mê đá gà

Tài liệu cổ nhất mà các cố vấn của tướng Kỳ tìm thấy nói đến thú vui đá gà là "Hịch tướng sĩ" của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Trong bài hịch hiệu triệu tinh thần yêu nước của binh sĩ, Trần Quốc Tuấn khuyên họ nên chăm chỉ luyện tập binh pháp, đừng ham mê đá gà, bởi cựa gà không thể đâm thủng áo giáp của giặc. Còn tài liệu cổ nhất dạy nuôi gà chọi là “Kê Kinh” của Tả quân Lê Văn Duyệt (1763 - 1832). Ông Kỳ từng rất tự hào, thú vị về tác phẩm “kinh điển” dạy về gà chọi của bậc tiền nhân này. Những “quân sư” của tướng Kỳ cũng bỏ công sưu tầm tài liệu về gà chọi trên thế giới và cho rằng, thú chơi này xuất hiện cách đây hơn 2000 năm. Căn cứ theo bộ “Nam Hoa Kinh” của Trang Tử, kể lại câu chuyện ham đá gà của Tuyên Vương nước Tề thì dân Trung Quốc đã máu mê đá gà từ thời Xuân Thu chiến quốc, tức thế kỷ thứ V trước Công nguyên.
Theo những tài liệu xưa, ở nước ta, thú chơi đá gà của người xưa thường diễn ra trong những ngày lễ tết và suốt tháng giêng, hai, trường gà được xây tròn giữa sân chợ. Ở đó, các tay chơi gà tứ xứ kéo về tham dự. Người nghèo cuốc bộ, người có tiền thì đi ghe, xuồng, xe ngựa hoặc đi bằng kiệu có người khiêng. Cùng lúc hàng quán tràn ra tận đường, người qua kẻ lại tấp nập. Con gà được chủ ôm trước ngực, nâng trong 2 bàn tay như báu vật sống với thái độ trìu mến, nâng niu và con nào cũng thật oai phong. Chính trên cái khoảnh đất hình tròn này, có bao nhiêu cặp gà nòi so cựa, tung cánh để cuối cùng bên nào cũng mang đầu máu, không chết thì bị thương. Thời đó, chưa có cựa sắt người ta đá bằng cựa chốt (làm bằng ngạnh cá), gà dính cựa không chết mà rất đau đớn, lại càng hăng tiết càng đá dữ, cũng có khi đá bằng cựa thật của gà. Thông thường phải kéo dài đến vài canh giờ mới kết thúc trận đấu. Từ thôn quê tới thành thị, ở đâu cũng có người mê đá gà, lập nhóm, kết băng, ăn thua đủ bằng tiền mặt, bằng đất đai, nhà cửa.
Ngày xưa, dân ta chơi đá gà chủ yếu là vui, không thấy tài liệu nào nói đá gà ăn tiền. Cho đến thời kỳ Pháp thuộc mới xuất hiện nhiều trường gà lớn, thu hút đông đảo dân chơi đen đỏ, nhiều người sạt nghiệp. Trong lúc hai con vật vô tri, ghét nhau vì tiếng gáy, màu lông, bất chấp “gà cùng một mẹ” lao vào đá, mổ, đâm chém một mất một còn thì những ông chủ cũng thót tim trước mỗi cú ra đòn bởi nó liên quan tới tài sản, tới túi tiền mà họ đang kè kè bên mình. Ngày nay, trường gà dù mang tính chất cờ bạc nhưng có mặt khắp nước, từ thành thị cho tới nông thôn.
Dân mê gà kể lại, tướng râu kẽm Nguyễn Cao Kỳ có hẳn một trường gà rất chuyên nghiệp, có “thầy gà” chăm sóc và nhân giống những bổn gà đá hay nhất, được tập trung từ khắp mọi miền đất nước. Tuy nhiên, tướng Kỳ cũng là người có kiểu “cáp độ” không giống ai khi sẵn sàng bỏ con gà trị giá cả chục cây vàng chỉ để “đá bắt xác” bất kỳ đối thủ nào. Dù là đá với đại gia hay với nông dân, tướng râu kẽm đều không có sự phân biệt đẳng cấp, địa vị nên dân đá gà rất khoái.
Sưu tầm những giai thoại về gà chọi
Dân chơi gà miền Tây Nam bộ kể lại, tướng Kỳ không chỉ mê gà mà còn mê sưu tầm những câu chuyện liên quan tới gà và luận bàn cùng các “chiến hữu”. Các “thầy gà” muốn lấy lòng ông chủ cũng tìm kiếm những giai thoại về gà từ cổ chí kim. Từ đó, họ biết rằng, thú đá gà xuất hiện ở nước Tề thời chiến quốc, vào năm 432 trước Công nguyên, nhưng mãi tới thời Ðường mới thịnh hành và thu hút mọi tầng lớp trong xã hội, kể cả vương hầu khanh tướng, hoàng tử đương triều. Ở kinh đô Trường An, có những đấu trường dành riêng cho bậc cao sang quyền quý, trong đó có anh em, con cháu họ Lý nhà Ðường, tới mua vui bằng những trận cá độ lên tới chục lượng vàng ròng.
Ngoài ra, khắp kinh thành, đâu đâu cũng có chợ mua bán gà đá rất phát đạt. Ðương thời, nhà thơ Vương Bột - một thi gia nổi tiếng về thơ Ðường, xưa nay vẫn được tôn sùng là đỉnh cao của nền thi ca cổ điển Trung Hoa - đã làm làm bài hịch ca tụng đá gà (Ðấu kê hịch) cho hai vị Vương tử Bái Vương Hiền và Chu Vương Hiển. Ngoài ra, ông còn làm bài phú “Vua gà chọi”, “Anh hùng gà chọi” khi tới trường gà, xem các hoàng thân quốc thích nhà Ðường đấu gà với nhau. Ông bị Ðường Cao Tông quở trách tại sao không cản ngăn việc đá gà mà còn làm bài hịch ca tụng đá gà và đuổi ra khỏi kinh thành. Chán đời, Bột chu du khắp xứ, sau đó tới tận Giao Châu để thăm cha đang làm quan tại đó. Không may, thuyền của Vương Bột bị chìm trên biển, ông chết đuối khi mới 27 tuổi.
Cũng theo nghiên cứu của các “quân sư” tướng Kỳ, tại Việt Nam, trong tác phẩm “Công dư tiệp ký” của Vũ Phương Ðề - làm quan Ðông Các học sĩ, thời Lê Trung Hưng - cũng có câu chuyện nói về gà. Nội dung câu chuyện kể về đứa con bất hiếu xem mạng gà trọng hơn mạng mẹ ruột. Chuyện kể, xưa có một người đàn ông tính rất vũ phu, động một tý là hắn đánh đập vợ con không tiếc tay. Hắn ham chơi gà chọi, ham đến nỗi ngoài gà ra, hắn cho không còn thú gì tiêu khiển hơn thế được. Lần đó, hắn mua được một con gà thật tốt. Con gà ấy có nước đá rất hay, từng đoạt được nhiều giải. Hắn quý gà vô cùng, chăm sóc từng ly từng tý một.
Một hôm, hắn đi chơi xa, dặn vợ ở nhà trông nom con gà cho mình. Ngày hôm đó, gà mấy lần chạy ra ăn đỗ phơi ở sân. Người vợ ngồi chặt củi gần đấy đuổi mãi không được. Sẵn con dao chặt củi, chị cầm ném đuổi gà. Không ngờ dao trúng vào cổ, con gà giãy lên đành đạch, một lát thì chết. Thấy con gà cưng của chồng chẳng may vì mình mà chết, người vợ xanh cả mặt. Nghĩ đến những trận đòn của chồng, nàng gạt nước mắt khóc và bảo mẹ chồng: “Con không may đánh chết gà. Chồng con về chắc sẽ không để yên cho con. Nhưng con đã có mang được bốn tháng, biết làm sao bây giờ?". Bà cụ đáp: “Con đừng lo, để mẹ nhận là mẹ ném cho. Chả nhẽ nó lại ăn thịt mẹ nó hay sao".
Người chồng trở về, vừa bước chân vào nhà đã hỏi vợ về con gà. Người vợ run rẩy chưa kịp đáp thì bà mẹ đã bảo: "Tao nhỡ tay trót ném chết nó. Rồi tao sẽ đền tiền cho mày mua con khác". Gã đàn ông nổi giận đùng đùng, rồi bảo vợ thổi cơm cho mẹ ăn. Cơm nước xong, hắn cầm thuổng đi trước, bảo vợ lấy dây trói tay mẹ lại, dắt đi sau. Ra đến cánh đồng, hắn hì hục đào một cái huyệt, quyết định chôn người đã làm chết con gà quý của mình.
Ở trên thiên đình, Ngọc Hoàng thấy hết được tội ác của thằng con bất hiếu, liền sai Thần Sét xuống trị tội. Huyệt vừa đào xong, bỗng đâu trời nổi một cơn gió lớn, giữa đồng có một tiếng nổ rất to. Thần Sét nhảy xuống, đánh hắn ngã xuống và thích mấy chữ vào mặt. Thiên hạ nghe tin đồn đổ xô đến xem rất đông. Khi quan về khám, sai lấy dấm bôi vào mặt, thấy nổi lên 8 chữ "Quý gà chôn mẹ, tội ác không tha". Ngày nay, ở vùng Bắc Ninh còn cái bia ghi câu chuyện trên. Câu rủa "Con trời đánh" cũng là do truyện ấy mà có.
Cũng thời Lê Trung Hưng - Chúa Trịnh ở đàng Ngoài, “đá gà” đã trở thành thú vui tiêu khiển của hàng vương tôn quyền quý, trong đó có các hoạn quan. Ðây cũng là một đề tài để Trạng Quỳnh lấy đó đem ra nhạo báng, những cái hư rởm của bọn ăn không ngồi rồi, chẳng biết làm gì. Bọn hoạn quan nơi phủ chúa rất thích chọi gà. Chúng bỏ rất nhiều tiền mua những con gà chọi nòi, đá hay nhất nước đem về nuôi. Nghe nói Trạng Quỳnh có con gà đá hay, thắng gà nhiều nơi, kể cả gà của sứ Tàu, chúng bèn đến xin Trạng cho gà đấu thử.
Biết bọn hoạn quan độc ác, thường gây tai họa cho nhiều người, Trạng Quỳnh ghét lắm, quyết làm chúng bẽ mặt một phen. Trạng hẹn chúng đem gà đến chọi và loan tin cho bàn dân thiên hạ trong thành đến xem. Sáng hôm sau, bọn hoạn quan đem gà đến nơi hẹn. Quỳnh ôm một chú gà thiến của người hàng xóm thủng thẳng bước vào trường gà. Con gà trống thiến của Trạng Quỳnh vừa thả ra đã bị gà chọi nòi của viên hoạn quan xông đến mổ vào đầu và đá cho một phát toạc ức ra, giãy đành đạch chết ngay.
Sau khi đá thắng, chú gà chọi hùng dũng vỗ cánh, vươn cổ gáy một hồi. Bọn hoạn quan nhảy nhót, reo hò. Bấy giờ, Trạng Quỳnh mới thiểu não bước vào, ôm lấy gà của mình, khóc rống lên, kể lể: “Khốn nạn thân mày, gà ơi! Khi chưa bị hoạn, mày rất giỏi giang. Nay bị hoạn mất rồi, sao không biết thân biết phận, còn hung hăng đấu đá, để đến nỗi chết thảm, chết hại như thế này. Khốn nạn thân mày, gà ơi là gà!”. Biết là bị chửi xỏ, bọn hoạn quan vừa tức vừa xấu hổ. Chúng vội vã ôm gà lủi đi giữa tiếng cười giòn giã của dân chúng kinh thành.

Không có nhận xét nào: