Tham luận: Xu hướng chuyển đổi số trong hoạt động du lịch và yêu cầu đặt ra đối với nhân lực du lịch tại Vĩnh Long hiện nay

DIỄN ĐÀN MEKONG VỀ KHOA HỌC CÔNG NGHỆ, ĐỔI MỚI SÁNG TẠO VÀ CHUYỂN ĐỔI SỐ LÀN THỨ I (Vình Long, 09/4/2025)

Xu hướng chuyển đổi số trong hoạt động du lịch và yêu cầu đặt ra đối với nhân lực du lịch tại Vĩnh Long hiện nay. 

          1. Đặt vấn đề

Hiện nay, việc đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia để tạo xung lực mới, đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số để phát triển du lịch, hay gọi cách khác là du lịch thông minh, là mục tiêu hướng đến của các địa phương. Hầu hết các tỉnh/thành phố của Việt Nam đã và đang thực hiện Đề án phát triển du lịch thông minh, tuy nhiên còn gặp nhiều khó khăn, trong đó có vấn đề đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, có đủ sức nắm bắt và ứng dụng xu hướng chuyển đổi số.

Trong những năm vừa qua, nhất là sau đại dịch Covid-19, các địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh Vĩnh Long nói riêng đã có những chính sách thúc đẩy phát triển du lịch một cách bền vững và hiệu quả góp phần và sự phát triển chung của ngành du lịch Việt Nam. Trong năm 2024, lượng khách du lịch đến tỉnh Vĩnh Long đạt khoảng 1,85 triệu lượt, vượt 450.000 lượt so chỉ tiêu; doanh thu trên 920 tỷ đồng, vượt 470 tỷ đồng so chỉ tiêu đầu năm; kết quả này đã góp phần không nhỏ vào việc thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP và thoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu kinh tế - xã hội ở địa phương. Có được kết quả như trên, tỉnh đã khẳng định được tính hiệu quả của các chương trình kích cầu xúc tiến, quảng bá du lịch; các cấp, các ngành không ngừng quan tâm, tạo điều kiện cho du lịch phát triển, chủ động phối hợp trong việc tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp. Các cơ sở kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh không ngừng chủ động trong xây dựng, phát triển, làm mới sản phẩm du lịch dựa trên các lợi thế tiềm năng; tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, các trang mạng xã hội trong việc quảng bá điểm đến; tăng cường hợp tác, liên kết tour, tuyến để đưa khách du lịch về địa phương. Tuy nhiên, cũng như các ngành dịch vụ khác, để phát triển theo yêu cầu của thị trường, du lịch Vĩnh Long vẫn phải đối mặt với niều vấn đề về như: môi trường, cơ sở vật chất, vốn đầu tư hạ tầng..., trong đó việc nắm bắt xu hướng chuyển đổi số và yêu cầu đặt ra đối với nhân lực du lịch vẫn là yếu tố quan trọng, là chìa khóa để ngành du lịch bền vững.

Với góc nhìn của cơ sở đào tạo về du lịch, trong khuôn khổ của bài viết này, tác giả tập trung chia sẻ, đề xuất các giải pháp về xu hướng chuyển đổi số gắn với việc đào tạo nguồn nhân lực du lịch tỉnh Vĩnh Long.

2. Chuyển đổi số trong hoạt động du lịch

Chuyển đối số trong kinh doanh nói chung và trong ngành du lịch nói riêng, là sự thay đổi từ hình thức quảng bá, kinh doanh truyền thống sang mô hình hiện đại hơn, có ứng dụng công nghệ thông tin trên môi trường số; định hướng khách hàng nâng cao trải nghiệm thông qua giá trị số dựa trên dữ liệu. Khi đã chuyển đổi số, thì sự trải nghiệm của du khách đều có sự tham gia của của công nghệ; phổ biến nhất trong chuyển đổi số trong du lịch là thuật ngữ “Du lịch thông minh”. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, sự phát triển của khoa học và công nghệ... du lịch thông minh đã thay đổi mạnh mẽ phương thức quản lý và kinh doanh của các doanh nghiệp để nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng tính cạnh tranh, tiếp cận nhiều đối tượng khách hàng trong quảng bá, tiếp thị, giảm thiểu chi phí vận hành, tối ưu hóa hiệu suất làm việc... Bên cạnh đó, du lịch thông minh còn giúp du khách nâng cao trải nghiệm từ việc đặt phòng khách sạn đến việc nghe thuyết minh, nhìn các điểm đến trên các nền tảng trực tuyến. Theo phương thức truyền thống, nếu như muốn đi du lịch, du khách phải đến công ty du lịch, hỏi han kinh nghiệm những người đã từng đi hoặc tự tìm kiếm thông tin về phương tiện, khách sạn, điểm đến... Giờ đây, khi thực hiện chuyển đổi số, doanh nghiệp có trang bị phần mềm, ứng dụng trên nền tảng internet, du khách chỉ cần một thiết bị thông minh  là có thể đặt các dịch vụ  vận chuyển, lưu trú, tham quan, ăn uống... cho chuyến du lịch của mình tại nhà.

Chuyển đổi số trong hoạt động du lịch, du lịch thông minh là xu hướng phát triển tất yếu ở Việt Nam, xu hướng này không chỉ chú trọng đến lợi ích chính đáng nhưng vẫn đảm bảo mức chi phí thấp, an toàn, thuận tiện nhất cho du khách của du khách mà còn đối với nhà quản lý, doanh nghiệp. Đáp ứng yêu cầu đó, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam đã xây dựng bộ tài liệu Hướng dẫn chuyển đổi số trong ngành Du lịch “Chuyển đổi nhận thức và thống nhất hành động”. Ấn phẩm này là khung hướng dẫn để triển khai chuyển đổi số một cách thống nhất, đồng bộ trong ngành Du lịch, giúp tối ưu hóa kết quả, tiết kiệm nguồn lực và tăng cường tính liên kết trong toàn ngành; định hướng chuyển đổi số, hệ sinh thái du lịch thông minh và đặc biệt là các hướng dẫn chi tiết để các cơ quan quản lý, điểm đến, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ có thể triển khai áp dụng tại đơn vị, đồng thời kết nối tích hợp vào các nền tảng số quốc gia. Đến nay, du lịch thông minh ở nước ta đã được đánh giá khá đầy đủ, thực trạng về khách du lịch thông minh, doanh nghiệp du lịch thông minh, điểm đến, khu du lịch, điểm du lịch thông minh và cơ quan quản lý du lịch thông minh, cụ thể như sau:

2.1. Cơ quan quản lý du lịch thông minh: Dịch vụ công trực tuyến; hành chính công trực tuyến; chiến lược E-Marketing; kết nối mạng liên thông: quản lý, điều hành, thống kê du lịch; xây dựng cơ sở dữ liệu ngành du lịch; thị thực điện tử, hoàn thành thuế điện tử; thanh toán điện tử; đào tạo nhân lực trực tuyến.

2.2. Điểm đến, khu du lịch, điểm Du lịch thông minh: Website giới thiệu thông tin dịch vụ; quảng bá điểm đến bằng công cụ tìm kiếm, mạng xã hội; phát triển các ứng dụng di động giới thiệu điểm tham quan, kết nối giao thông, các dịch vụ tại điểm đến; cung cấp đường truyền internet không dây; thiết bị ứng dụng, robot thuyết minh ngôn ngữ và hướng dẫn; ứng dụng công nghệ thực tế ảo; hệ thống camera an ninh, hệ thống soát vé tự động.

2.3. Doanh nghiệp Du lịch thông minh: Website giới thiệu, quảng bá sản phẩm; bán hàng, thanh toán online; sàn giao dịch điện tử du lịch: giúp khách lựa chọn dịch vụ và thanh toán online, giúp doanh nghiệp quảng cáo và bán hàng.

2.4. Khách du lịch thông minh: Sử dụng kết nối Internet (với máy tính và điện thoại thông minh); tìm kiếm thông tin dịch vụ trên mạng Internet, đặt, mua dịch vụ trực tuyến, thanh toán trực tuyến, ý kiến phản hồi.

Cũng như các địa phương khác, du lịch thông minh chắc chắn mang lại nhiều cơ hội cho tỉnh Vĩnh Long, nhưng cũng đối mặt với nhiều thách thức và khó khăn, đặc biệt là trong quá trình chuyển đổi từ mô hình truyền thống sang mô hình thông minh. Các khó khăn, thách thức mà địa phương có thể gặp phải  bao gồm các vấn đề: chưa đồng bộ hóa cơ sở hạ tầng công nghệ; an ninh thông tin và quyền riêng tư; thứ ba, thiếu nguồn nhân lực đào tạo; sự tự động hóa và tích hợp công nghệ có thể làm mất đi những trải nghiệm truyền thống và tinh thần du lịch địa phương; khó khăn trong phân phối lợi ích giữa các địa phương cấp huyện; chi phí triển khai và duy trì các hệ thống du lịch thông minh khá cao...

Tuy nhiên, với sự quyết liệt của các cấp lãnh đạo, nguồn lực hiện có và tiềm năng phát triển du lịch trong tương lai, Vĩnh Long hoàn toàn có thể ứng dụng và phát triển những xu thế du lịch thông minh phù hợp với tỉnh. Trước mắt tập trung vào các sản phẩm dành cho các cơ sở kinh doanh du lịch: vé điện tử, check-in, quản lý du khách, kiẻm soát tự động, thanh toán một chạm, khuyến mãi khách hàng, thực tế ảo điểm đến... để phục vụ du khách một cách tốt nhất.

3. Đào tạo nguồn nhân lực du lịch gắn với chuyển đổi số

Hàng năm, rất nhiều người học tốt nghiệp ngành du lịch tại các trường đại học, cao đẳng ở các trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp, sơ cấp; thậm chí địa phương, doanh nghiệp cũng phối hợp với các cơ sở đào tạo tổ chức bồi dưỡng, cập nhật kiến thức kỹ năng nghề du lịch cho cán bộ, nhân viên trực tiếp phục vụ du khách. Tỉnh Vĩnh Long là một trong những địa phương sử dụng lao động đã qua đào tạo phục vụ trong ngành du lịch với tỷ lệ tương đối cao trong khu vực. Bên cạnh những nghiệp vụ chuyên môn đã được đào tạo, đa số người lao động cũng đã được trang bị kiến thức về chuyển đổi số và du lịch thông minh.

Tuy nhiên, để có nguồn nhân lực chủ động xây dựng và quản trị, vận hành hệ thống du lịch thông minh một cách triệt để và hiệu quả, tôi xin có một số ý kiến đề xuất như sau:

3.1. Đối với cơ quan quản lý

- Phát huy vai trò của cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp hoạt động du lịch và du khách giúp liên kết, hợp tác thuận lợi trong quá trình triển khai chuyển đổi số trên cơ sở cơ chế, chính sách về du lịch của tỉnh.

- Các chiến lược và kế hoạch hành động phát triển du lịch phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội tại mỗi đơn vị cấp huyện, từ đó đạt được sự thống nhất và đồng bộ hệ thống.

- Tăng cường hợp tác chặt chẽ giữa ngành du lịch và các đơn vị thuộc ngành công nghệ thông tin để thiết kế giải pháp, mô hình công nghệ đáp ứng nhu cầu quản lý, kinh doanh du lịch.

- Xây dựng, chuẩn hóa thông cơ sở dữ liệu du lịch của tỉnh: doanh nghiệp lữ hành, hướng dẫn viên, cơ sở lưu trú du lịch, khu - điểm du lịch, nhà hàng, điểm mua sắm đạt chuẩn, vui chơi giải trí…

3.2. Đối với doanh nghiệp

- Xây dựng hệ thống quản trị, vận hành trên nền tảng công nghệ; tận dụng nguồn dữ liệu lớn để phân tích, thấu hiểu khách hàng; tăng cường quảng bá trên các nền tảng số.

- Cấu trúc lại hệ thống bán hàng, đẩy mạnh phương thức mua sắm trực tuyến giúp khách hàng có thể lựa chọn sản phẩm, dịch vụ du lịch mọi lúc và mọi nơi, với thanh toán trực tuyến 24/7.

- Thường xuyên cập nhật kỹ năng, đảm bảo rằng người lao động trong ngành du lịch có thể sử dụng và quản lý hiệu quả các công nghệ mới; có chính sách ưu tiên, ưu đãi tuyển dụng nhân lực du lịch có kỹ năng, kiến thức về chuyển đổi số; xây dựng lực lượng kế thừa trong chuyển đổi số và vận hành du lịch thông minh.

3.3. Đối với các cơ sở đào tạo

Ngoài việc thực hiện các chương trình đào tạo theo quy định của pháp luật, đổi mới phương pháp giảng dạy theo yêu cầu của sự phát triển của giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học. Các cơ sở đào tạo du lịch cần phải thực hiện các nội dung sau để đào tạo thế hệ người học có kiến thức, kỹ năng chuyển đổi số:

- Tích hợp nội dung chuyển đổi số, du lịch thông minh khi tổ chức giảng dạy các bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề du lịch khi doanh nghiệp chuyển sang phương thức kinh doanh qua môi trường số.

- Ngoài tin học văn phòng, ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản, các cơ sở đào tạo cần chuẩn bị tốt cơ sở vật chất, bổ sung vào chương trình đào tạo, hệ thống giáo trình các kỹ năng thiết kế, quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm du lịch online trên các phần mềm, ứng dụng thông dụng ở mỗi lĩnh vực cụ thể.

- Tăng cường tổ chức cho người học thực hành, thực tập nghiệp vụ ở các doanh nghiệp có thế mạnh về chuyển đổi số, ứng dụng du lịch thông minh. Mời chuyên gia ở cơ quan quản lý nhà nước, ở doanh nghiệp tham gia giảng dạy, hướng dẫn thực hành, thực tập, đánh giá kết quả học tập ở các nội dung về chuyển đổi số, du lịch thông minh.

- Thường xuyên bồi dưỡng, cập nhật xu thế chuyển đổi số, du lịch thông minh  cho đội ngũ giảng viên. Khuyến khích nhà giáo áp dụng các hình thức đào tạo online, đào tạo ảo, mô phỏng, số hóa bài giảng, triển khai giảng dạy các phần mềm quản lý doanh nghiệp du lịch, khách sạn, lữ hành, vào trong quá trình đào tạo.

 

          Trên đây là một số ý kiến chia sẻ và đề xuất về Xu hướng chuyển đổi số trong hoạt động du lịch và yêu cầu đặt ra đối với nhân lực du lịch tại Vĩnh Long hiện nay. Tác giả chân thành cám ơn các cấp lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long đã tạo điều kiện tham gia diễn đàn, cám ơn đồng nghiệp đã chia sẻ tư liệu; kính mong được các nhà khoa học, quý đại biểu góp ý để bài viết hoàn chỉnh./.

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1. Báo Vĩnh Long Online. Bàn giải pháp giúp du lịch Vĩnh Long duy trì tốc độ tăng trưởng (2024). https://baovinhlong.com.vn/xa-hoi/202412/ban-giai-phap-giup-du-lich-vinh-long-duy-tri-toc-do-tang-truong. Truy cập 09h32, 02/4/2025.

2. Khuất Hương Giang, Bùi Thị Hồng Nhung. Chuyển đổi số ở các doanh nghiệp du lịch: Thực trạng và một số đề xuất trong thời gian tới (2023).  Trường Đại học Lao động - Xã hội.

3. Đoàn Mạnh Cương. Du lịch thông minh và vấn đề đào tạo nhân lực du lịch trong bối cảnh chuyển đổi số quốc gia (2024). Văn phòng Quốc hội.

4. Trần Ngọc Phương Thảo. Triển vọng du lịch thông minh tại Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa (2024). Hội thảo khoa học quốc tế Du lịch thông minh và phát triển bền vững: tiềm năng, cơ hội và thách thức.

Không có nhận xét nào: