*** "Việt Nam tất nhiên là luôn khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như tính chính nghĩa của cuộc chiến giải phóng người dân Campuchia khỏi thảm họa diệt chủng Khmer Đỏ." - www.facebook.com/WarComissar***

05 tháng 5 2012

Cần Thơ - Hình thành và phát triển



Lịch sử ghi lại, năm 1739, đất Cần Thơ được khai mở với tên là Trấn Giang. Ngày 23 tháng 2 năm 1876, sau khi chiếm trọn Nam kỳ lục tỉnh, thực dân Pháp ra nghị định lấy huyện Phong Phú (Trấn Giang) cùng một phần huyện An Xuyên và Tân Thành thuộc tỉnh An Giang thành lập hạt Cần Thơ.
Tuy vậy, vùng đất nầy có lịch sử hình thành khá lâu đời. Theo kết quả nghiên cứu địa chất, vùng Đồng bằng sông Cửu Long trước đây là đáy biển cạn, với các hải đảo là Hà Tiên - Bảy Núi. Sau một thời gian, biển rút dần các cồn cát cùng các giồng đất ven sông Tiền, sông Hậu nhô lên. Hệ thực vật nhanh chóng phát triển trên địa hình nầy.
Cách đây độ 2000 năm, ở Đồng bằng sông Cửu Long, dưới tác động của gió mùa Tây Nam và hải lưu Đông Nam, các cồn lớn nổi lên hình thành vùng châu thổ kiểu tam giác châu, hình thành sông Tiền với các nhánh chảy qua Mỹ Tho, Bến Tre và sông Hậu chảy ngang đất Cần Thơ đổ ra các cửa biển ở Sóc Trăng. Cảnh quang châu thổ hình thành và  biến đổi dần.
Về cư dân, trước Công nguyên đã có con người cư ngụ ở đây, thích nghi với điều kiện sông rạch, sình lầy giỏi nghề sông nước, câu lưới. Đến đầu Công nguyên, các cư dân bản địa ở đây tiếp thu văn hóa Ấn Độ cổ đại, hình thành vương quốc Phù Nam hùng mạnh. Vương quốc nầy đã một thời làm chủ cả một vùng rộng lớn bao gồm Chân Lạp, nam Thái Lan và hạ Lào. Thành tựu văn hóa của các cư dân Phù Nam còn để lại rất rõ nét trong các di tích, di vật ở Óc Eo (An Giang ), Đền chùa (Kiên Giang), Nhơn Nghĩa ( Cần Thơ)...
Cộng đồng cư dân Phù Nam lúc bấy giờ đã có giao thương quốc tế rộng rãi trong khu vực Đông Nam Á và với cả các cư dân Địa Trung Hải ). Từ đó, hình thành nên một nền văn hóa với nhiều đỉnh cao thành tựu. Tuy vậy, sau gần 6 thế kỷ phát triển,  vương quốc nầy bị tan rã. Vùng châu thổ sông Cửu Long lại trở nên hoang vu trong nhiều thế kỷ kế tiếp.
            Từ thế kỷ thứ VIII đến thế kỷ thứ XVI, vùng đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn khá hoang vu tuy đã có một số tập đoàn lưu dân đến khai khẩn. Vào thế kỷ thứ XVII, Mạc Cửu người Châu Lôi, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc do không thuần phục nhà Thanh nên cùng tùy tùng đến Hà Tiên đầu phục nhà Nguyễn. Ông chiêu mộ dân phiêu tán mở vùng đất mới, khẩn hoang. Năm Mậu Tý (1708), Chúa Nguyễn Phúc Chu sắc phong cho Mặc Cửu làm Tổng binh trấn Hà Tiên, lập đồn binh ở Phương Thành. Từ đó, nhân dân qui tụ về nơi đây ngày càng đông. Năm 1732, Chúa Nguyễn phân định Nam bộ ra thành 3 dinh và 1 trấn. Trấn Biên Dinh (vùng Biên Hoà ), Phiên Trấn Dinh ( vùng Gia Định ), Long Hồ Dinh (vùng Vĩnh Long ) và trấn Hà Tiên. Mạc Cửu mất, tiếp nối sự nghiệp của cha, Mạc Thiên Tứ đẩy mạnh công cuộc khai hoang mở đất. Đến năm 1739, ông hoàn thành việc khai mở nầy và lập thêm 4 "đạo" gồm : Long Xuyên (Cà Mau), Kiên Giang (Rạch Giá), Trấn Giang (Cần Thơ), Trấn Di ( bắc Bạc Liêu) và sáp nhập các đạo nói trên vào Hà Tiên.
Thấy được vị trí đắc địa trên tất cả các lĩnh vực đối với vùng, Mạc Thiên Tứ được Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát thuận tình xây dựng Trấn Giang thành một "thủ sở "mạnh ở miền Hậu Giang.
            Sách " Gia Định thành thông chí  " có nói:
            " Thủ sở Trấn Giang nằm trên bờ Tây sông Hậu, thượng lưu từ phía Đông thành Nam Vang chảy xuống Châu Đốc, Cần Đăng, vô Nam đến thủ Cường Oai, Lấp Vò rồi đến thủ Trấn Giang, qua đạo Trấn Di, ra cửa Bá Thắc...( Địa chí Cần Thơ, trang 25).Thủ sở Trấn Giang không chỉ là một vị trí đồn thủ mà là một vùng hậu cứ của Hà Tiên - Rạch Giá khi hữu sự. Lịch sử đã chứng minh điều nầy. Rất nhiều trận đánh ở đây, quan binh triều Nguyễn đều phải dựa vào Trấn Giang, như trận ngày 3 tháng 10 năm Tân Mão (1771), chống quân Xiêm xâm lược... Như vậy, có thể nói đến thập niên 70 của thế kỷ thứ XVIII, Trấn Giang đã trở  thành một cứ điểm quan trọng và rất ổn định trong bối cảnh lịch sử đầy xáo trộn.
Năm Quý Hợi ( 1803), vua Gia Long thành lập huyện Vĩnh Định, trực thuộc phủ Định Viễn, trấn Vĩnh Thanh. Năm Nhâm Thìn (1832), vua Minh Mạng tách huyện Vĩnh Định (Cần Thơ xưa ) ra khỏi phủ Định Viễn, tỉnh Vĩnh Long và cho trực thuộc phủ Tân Thành, tỉnh An Giang. Năm Kỷ Hợi (1839), vua Minh Mạng đổi tên huyện Vĩnh Định thành huyện Phong Phú và lấy làng Tân An làm huyện lỵ của Phong Phú.
Từ đó, huyện Phong Phú tiếp tục phát triển, nổi tiếng là một vùng đất thạnh trị và an ninh khác hẳn mọi vùng ở miền Tây bấy giờ. Về mặt thương mại, lúc nầy đã có ba ngôi chợ rất nhộn nhịp xuất hiện là: chợ Sưu ở gần bến sông Cần Thơ, chợ Tân An ở gần bến sông Bình Thủy và chợ Thái An Đông  ở gần sông Ô Môn.
Trên bản đồ của A. Pouyanne (Voies d'eau de la Cochinchine) mô tả Cần Thơ là một giồng đất cao trên 2,50m thuận lợi cho việc cư trú. Trong sách  "Cần Thơ xưa và nay tác giả Huỳnh Minh có trích một đoạn sách thời Gia Long, Minh Mạng miêu tả huyện Phong phú như sau:
             " Sông Cần Thơ ở phía Đông huyện Phong Phú 3 dặm, bờ phía Tây sông Hậu, rộng 4 trượng, sâu 2 trượng rưỡi. Bờ phía Tây sông nầy có cựu thủ sở đạo Trấn Giang. Bắt đầu từ phía nam Đại Giang chảy xuống, thông qua sông Bồn, rồi do sông ấy chạy qua sông Đà Sưu, Đà Răng cách 13 dặm đến ngã ba Ba Láng. Chi phía Bắc chảy qua Đông 12 dặm thông với sông Bình Thủy, lại một chi nữa cũng do phía Bắc chuyển về hướng Đông 45 dặm chảy ra cảng khẩu đạo Kiên Giang, gọi là cửa Bé ".
            Cộng đồng cư dân ở đây bao gồm một bộ phận là binh lính cùng gia đình và những lưu  dân miền ngoài đi vào. Dân ca có câu:
"Rồng chầu xứ Huế, ngựa tế Đồng Nai.
Nuớc trong xanh sao  lại chảy hoài
Thương người xa xứ lạc loài đến đây..."
(Dân ca Hậu Giang - Xuất bản 1986)
           
Dấu vết văn hóa miền ngoài còn thể hiện rõ ở đây qua các tục thờ Đồng Chinh Vương và Dực Thánh Vương ( con vua Lý Thái Tổ), Bà - Cậu ( Bà Thủy, Cậu Chai- Cậu Quí), tục thờ các chúa Trân, chúa Ngọc, Nữ thần Thượng Động Cố Hỉ, Đại Càn quốc gia Nam hải tứ vị Thánh nương nương ( thần biển Cần Hải, Quỳnh Lưu, Nghệ An)...
Cư dân các làng Tân An, Thới Bình, Bình Thủy... thuộc huyện Phong Phú lúc bấy giờ, phần đông sống lánh trong các rạch nhỏ như Cần Thơ, Tham Tướng, Bình Thủy... Sông nước ở đây uốn lượn với nhiều chi lưu hiền hoà, gắn bó với nghề nông, tạo nên sự sung túc cho các cư dân ven bờ nên hình tượng "Rồng vàng " được gắn cho hệ thống sông rạch và lưu vực của nó. Phải chăng vì thế, cái tên mỹ miều " Long Tuyền" xuất hiện. Ở đây đường sông là mạch máu giao thông chính nên làng xã, chợ búa đều gắn với bến sông, rạch, kinh... Các ngã ba, ngã tư thường trở thành những đầu mối giao thương quan trọng và hầu hết các chợ đều gắn với những nơi nầy. Bởi vậy, đến đầu thế kỷ thứ XIX, tác giả " Gia Định thành thông chí " có nhắc đến những trung tâm mua bán trong vùng:
            "... Trung tâm bờ Tây thủ sở đạo Trấn Giang trên sông Cần Thơ... Trung tâm Trường tàu Ba Thắc dưới hạ lưu sông Hậu là nơi có Tây Dương đến mua bán; có đủ người Việt, Tàu, Cao Miên chung lộ; đường phố, chợ quán nối  dài liên tiếp" (Địa chí Cần Thơ. Trang 30).
Với những đặc điểm trên các nhà nghiên cứu cho rằng Trấn Giang (Cần Thơ ) là vùngvùng văn minh sông rạch có ảnh hưởng đến cả vùng phía Tây sông Hậu.
Đến cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, thực dân Pháp lần lược chiếm 3 tỉnh miền Đông và đến tháng 6 năm 1867  tiếp tục chiếm luôn 3 tỉnh miền Tây là Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên.
Ngày 1 tháng 1 năm 1868 Thống đốc Nam kỳ là Bonard ra quyết định sáp nhập huyện Phong Phú với Bảy Sào ( Sóc Trăng ) đặt thành một quận, lập tòa bố tại Sa Đéc.
           
Ngày 30 tháng 4 năm 1872, Thống đốc Nam kỳ ra lệnh sáp nhập Phong Phú với  Bắc Tràng ( thuộc Lạc Hoá - Vĩnh Long) thành một hạt, đặt tòa bố tại Trà Ôn và một năm sau dời về Cái Răng (Cần Thơ).
Ngày 23 tháng 2 năm 1876, Soái phủ Sài Gòn ra nghị định mới lấy huyện Phong Phú, một phần huyện An Xuyên và Tân Thành để lập nên hạt Cần Thơ với thủ phủ là Cần Thơ đặt tại làng Tân An.
Từ năm 1876, từ khi thực dân Pháp lập
 Nhân dân Cần Thơ Mtting chào mừng giải phóng Miền Nam
 hạt Cần Thơ đến năn 1954, về cơ bản địa giới hành chính tỉnh Cần Thơ không thay đổi, bao gồn các huyện Châu Thành, Ô Môn, Phụng Hiệp, Trà Ôn, Cầu Kè. Tuy nhiên, trong kháng chiến chống Pháp vào 2 năm 1948-1949 chính quyền kháng chiến có điều chỉnh một phần địa giới của các tỉnh. Cần Thơ nhận thêm Thốt Nốt (của Long Xuyên), Long Mỹ, Gò Quao, Giồng Riềng, thị xã Rạch Giá (của Rạch Giá). Cần Thơ trả lại 2 huyện Cầu Kè và Trà Ôn cho Vĩnh Long - Trà Vinh.
Từ sau hiệp định Genève, địa giới hành chính và tên gọi tỉnh Cần Thơ trong chế độ cũ ở miền Nam Việt Nam có nhiều thay đổi. Năm 1956, Ngô Đình Diệm đổi tên tỉnh Cần Thơ thành tỉnh Phong Dinh. Năm 1961, tách một vùng Long Mỹ, Vị Thanh thành lập tỉnh Chương Thiện và sắp xếp lại các tổng xã trong hai tỉnh.
            Trong giai đọan nầy, chính quyền Cách mạng vẫn duy trì tên gọi tỉnh Cần Thơ. Tháng 11 năm 1954 chuyển Long Mỹ, Giồng riềng, Gò Quao, thị xã Rạch Giá về tỉnh Rạch Giá. Trả huyện Kế Sách về tỉnh Sóc Trăng, Thốt Nốt về Long Xuyên. Năm 1957, nhận lại huyện Long Mỹ. Năm 1958, nhận lại huyện Kế Sách. Năm 1963, nhận lại huyện Thốt Nốt. Năm 1966, hình thành thị xã Vị Thanh trực thuộc tỉnh Cần Thơ. Năm 1969, tách thị xã Cần Thơ ra khỏi tỉnh Cần Thơ trực thuộc khu Tây Nam bộ. Năm 1971, thị xã Cần Thơ trở lại trực thuộc tỉnh Cần Thơ. Năm 1972, nâng thị xã Cần Thơ trở thành thành phố Cần Thơ, trực thuộc Khu Tây Nam bộ.
Từ sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất tổ quốc, Chính phủ công bố Nghị định số 03/NĐ-76 ngày 24-3-1976 sáp nhập tỉnh Cần Thơ, tỉnh Sóc Trăng và thành phố Cần Thơ lập thành tỉnh mới lấy tên là Hậu Giang, tỉnh lỵ là thành phố Cần Thơ. Đến tháng 12 năm 1991, Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam khóa VIII, kỳ họp thứ 10 đã ra nghị quyết tách tỉnh Hậu Giang thành hai tỉnh Cần Thơ và Sóc Trăng. Vào tháng 11 năm 2003, Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam khóa XI, kỳ họp thứ 4 đã ra Nghị quyết số 22/2003/QH ngày 26-11-2003 của Quốc Hội khoá 11 kỳ họp thứ 4 và Nghị định số 05 của Chính Phủ ngày 02-01-2004 tách tỉnh Cần Thơ thành thành phố Cần Thơ  trực thuộc Trung ương và lập tỉnh Hậu Giang.            
Về tên gọi "Cần Thơ " hay "Tây Đô" sử sách không ghi xuất xứ rõ ràng. Chính vì vậy có nhiều giai thoại lý giải tên gọi Cần Thơ.
Có giả thuyết cho rằng, trên đường bôn tẩu khi chưa lên ngôi vua, Chúa Nguyễn Ánh vào Nam và đã đi qua nhiều nơi thuộc vùng châu thổ sông Cửu Long. Một hôm đoàn thuyền của Chúa Nguyễn đi theo sông Hậu vào địa phận thủ sở Trấn Giang vào lúc hoàng hôn, cũng vừa đến vàm sông Cần Thơ. Chúa thấy thuyền ghe đậu dài theo hai bờ sông, đèn đóm sáng choang, rất  vui vẻ. Càng về khuya, trong đêm trường vắng lặng, từ xa vọng lại nhiều  tiếng ngâm thơ, hò hát; tiếng đàn, tiếng sáo hoà nhau nhịp nhàng. Chúa thầm khen cảnh quang sông nước hữu tình và ban cho con sông nầy một cái tên đầy thơ mộng là  Cầm Thi Giang. Hai tiếng Cầm Thi lan rộng dần trong dân chúng và dần dần nói trại ra là Cần Thơ. Hai tiếng "Cần Thơ " có tứ hay, có thanh đẹp nên lâu dần được mọi người chấp nhận.
Một giả thuyết khác cho rằng, hai bên bờ sông Cần Thơ dân chúng trồng rất nhiều rau cần và rau thơm. Ghe thuyền qua lại nơi đây tấp nập mua bán loại hàng hóa nầy. Dân gian bấy giờ có câu hát:
"Rau cần, rau thơm xanh mướt. Mua mau kẻo hết, chậm bước không còn".
Từ đó, dân thương hồ gọi địa phương nầy là sông Cần Thơm. Sau nói trại ra là Cần Thơ.
Hai giả thuyết Cầm Thi  Cần Thơm là những cách lý giải có tính thi vị . Dù xuất xứ thế nào đi nữa thì người Cần Thơ và khách vãng lai xưa nay vẫn gọi hai tiếng Cần Thơ thân thương.
Riêng về hai chữ Tây Đô, từ trước đến nay không có văn bản Nhà nước nào chính thức gọi Cần Thơ là Tây Đô. Tuy nhiên, do vị trí thuận lợi về giao thông, thương mại; công kỹ nghệ, quân sự. Vì vậy cả ta và địch đều coi đây là trung tâm của vùng. Sau ngày miền nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, đi lên Chủ nghĩa xã hội, một lần nữa Nhà nước ta xác định Cần Thơ có vị trí trung tâm của vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Trong lịch sử, theo các bài báo của nhà nghiên cứu Sơn Nam thì từ tháng 2 năm 1919, trên tạp chí Nam Phong đã có đăng loạt bài du ký Một tháng ở Nam kỳ của ông Phạm Quỳnh, một nhà văn, nhà báo xứ Bắc vào viếng miền Nam. Trong các bài báo ấy, Phạm Quỳnh đã có nhã ý gọi Cần Thơ là thủ đô miền Tây.
Theo nhiều tư liệu lịch sử, văn học, Cần Thơ được mô tả có cái mỹ miều xinh xắn, sạch sẽ phong quang, thật xứng tên làm tỉnh đầu ở miền Tây ( La Capitale de L'ouest). Đường phố thênh thang, cửa nhà san sát, các nhà buôn Tây cũng nhiều hơn các tỉnh khác, có chổ coi xinh đẹp hơn cả Sài Gòn.
Phải chăng chính vì những yếu tố đắc địa của vị trí địa lý cùng những dấu son trong thành tựu và phát triển nên qua nhiều thời kỳ, không ai bảo ai mà nhiều người ở nhiều nơi vẫn thường gọi Cần Thơ là Tây Đô.
(Nguồn: Sưu tầm Địa chí Cần Thơ - 2002 )

Không có nhận xét nào: