*** "Việt Nam tất nhiên là luôn khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như tính chính nghĩa của cuộc chiến giải phóng người dân Campuchia khỏi thảm họa diệt chủng Khmer Đỏ." - www.facebook.com/WarComissar***

10 tháng 12 2011

Người lưu giữ nghề làm nhẫn của đồng bào Chu Ru



Nấu bạc để đúc nhẫn
(ĐSCT) Trong gian bếp sau nhà, nghệ nhân Ya Tuất (40 tuổi) đưa tay khơi nhẹ những cục than hồng, muội than bùng lên rất đẹp mắt. Chừng như thấy khay bạc đã đến độ “chín”, Ya Tuất vội đổ chỗ bạc nấu chảy vào cái khuôn tựa như chân gà. Anh giảng giải: “Phải chọn đúng lúc để đổ bạc vào khuôn, nếu chậm tay sẽ hỏng cả”.
Sau hơn nửa tiếng “biểu diễn” màn nấu bạc đúc nhẫn cho chúng tôi xem, Ya Tuất đã hoàn thành được một chiếc nhẫn bạc có hoa văn khá đẹp. Sau công đoạn này, người nghệ nhân còn phải mài dũa, đánh bóng cẩn thận và đính hạt kơnia (màu đỏ tươi hoặc sẫm) vào mặt trên chiếc nhẫn dành cho đàn ông. Còn nhẫn dành cho phụ nữ chỉ có hoa văn và đánh bóng bề mặt là được.
Căn nhà gỗ của nghệ nhân Ya Tuất nằm giữa thôn Hawai, xã Tu Tra, huyện Đơn Dương, Lâm Đồng. Ông say sưa nói về các công đoạn đúc một chiếc nhẫn bạc với vẻ mặt đầy tự hào. Đầu tiên là việc làm khuôn để đúc nhẫn. Công đoạn này khá cầu kỳ, người nghệ nhân phải chọn sáp ong đúc thành khuôn to nhỏ khác nhau. Sau đó, họ tiếp tục lấy hỗn hợp đất sét trộn lẫn phân trâu tạo thêm một lớp bao phủ bên ngoài, có tay cầm để đổ bạc dễ hơn.

Những chiếc nhẫn bạc đã được hoàn thành
Theo ông Ya Tuất, công đoạn làm nhẫn bạc còn nhiều khó khăn nên đòi hỏi người nghệ nhân phải có sự khéo tay và lòng kiên trì thì mới làm được. Thời niên thiếu, Ya Tuất và vài người bạn băng rừng đi học làm nhẫn nhưng cuối cùng chỉ mỗi anh đúc thành công, chiếc nhẫn làm ra không bị méo, cong vênh như những trai làng khác. Một vài người già trong làng kể lại, trước đây truyền nhân của nghề làm nhẫn thường chỉ có một người duy nhất. Cứ thế hết người này đến người khác nối tiếp nhau. Trong vài chục năm trở lại đây chỉ có duy nhất nghệ nhân Ya Tuất là người nối dõi. 
Nổi tiếng làm nhẫn đẹp nên cứ đến dịp cuối năm, Ya Tuất lại có nhiều “đơn đặt hàng”. Không chỉ người dân trong thôn, trong xã mà khách từ các huyện lân cận cũng kéo về mua nhẫn. Nhiều lúc Ya Tuất miệt mài ngồi đúc nhẫn nhưng cũng không đủ cung cấp cho khách gần xa. Nhẫn bạc của người Chu Ru không nặng về vật chất nên giá của mỗi cặp nhẫn cũng bình dân, từ 300.000 - 500.000 đồng/cặp nhẫn cưới, còn loại nhẫn bình thường thì rẻ hơn, khoảng 150.000 - 200.000đ/cặp.
Không chỉ dừng lại ở buôn làng, nhẫn bạc của Ya Tuất cũng vươn ra phố thị Đà Lạt, phục vụ khách tham quan. Tại đây, anh tự tay thực hiện các công đoạn đúc nhẫn và bán cho du khách Khu du lịch Thung lũng Tình yêu. 
Một điều mà Ya Tuất hài lòng chính là việc anh đang đào tạo cho ba người con, cháu trong gia đình để nối nghiệp. Đó là chàng thanh niên Ya Thương, Ya Tỷ và Ya Đuốc, cả ba hiện đã làm nhẫn khá thành thạo tuy chưa được hoàn thiện như nghệ nhân Ya Tuất. Tuy nhiên, Ya Tuất vẫn mừng rỡ bảo: “Vậy là nghề làm nhẫn bạc truyền thống của người Chu Ru từ nay có thêm truyền nhân, không sợ bị mai một nữa rồi”.
Trong tiếng Chu Ru, chiếc nhẫn bạc được gọi là Srí. Theo phong tục của người Chu Ru, nhẫn bạc là món quà may mắn nên trong các dịp hội hè, lễ tết, sinh nhật... người Chu Ru thường trao tặng nhau những chiếc nhẫn bạc trắng sáng. Nhất là trong đám cưới thì cặp nhẫn bạc trở thành tín vật không thể thiếu, nó biểu trưng cho lời hẹn ước của đôi lứa và còn trao tặng cho những người trong họ tộc để đem lại niềm vui, may mắn cho mọi người.
Nguyễn Dũng - Ngọc Hà

Không có nhận xét nào: